Với gần 700 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đăng ký triển khai, thực hiện trong gần 6 năm qua đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống dân vận tỉnh trong tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Qua các phong trào đã có nhiều cách làm hay, phát huy hiệu quả, được nhân rộng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tỉnh nhà.
Lực lượng Công an tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông
thực hiện tốt cam kết “5 có, 5 không” ở xã Huổi Một (Sông Mã).
Đón xuân mới Đinh Dậu, toàn tỉnh đạt bình quân 7,8 tiêu chí/xã, trong đó, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 41 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 18 triệu đồng/năm. Đây là con số đáng mừng, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Trong thành tích chung này, có sự đóng góp quan trọng của hệ thống dân vận các cấp, đã phát huy vai trò nòng cốt trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng NTM.
Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, nên ngay từ khi triển khai, Ban Dân vận tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn khối dân vận xã, phường, thị trấn và phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc góp sức người, sức của xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự nông thôn.
Nổi bật phải kể đến MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể đã tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua với nhiều mô hình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống của đoàn viên, hội viên như: Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tích cực vận động hội viên tổ chức tốt phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không - 3 sạch”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”... Hội Nông dân với phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững; Đoàn Thanh niên các cấp với phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, tích cực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông liên bản; đảm nhận thực hiện các tuyến đường thanh niên tự quản, đoạn đường xanh - sạch - đẹp...
Khối lực lượng vũ trang đã “khéo” dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân. Tích cực phối hợp với mặt trận, các đoàn thể phổ biến quy định pháp luật đến nhân dân, nắm tình hình, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế; tổ chức khám, phát thuốc miễn phí ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết tốt các vấn đề an ninh nông thôn, tệ nạn xã hội ở cơ sở; tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình gặp thiên tai lũ lụt. “Đơn vị dân vận tốt” đã trở thành nội dung trọng tâm trong các đơn vị quân đội với những hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Vận động đồng bào không di cư tự do, vận động học sinh trở lại trường; phối hợp với các đơn vị thực hiện hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Qua từng năm đã huy động hàng trăm lượt cán bộ thường trực, lượt dự bị động viên, giúp hộ dân di chuyển ra khỏi vùng sạt lở, bão lũ... Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” tại 203 xã, phường, thị trấn, 3.297 bản, tiểu khu, tổ dân phố, thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Qua phát động nhân dân đã cung cấp hàng chục nghìn nguồn tin, trong đó có hàng nghìn thông tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay với cách làm sáng tạo, hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, và nhân rộng, như mô hình: Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Nha (Vân Hồ); xây dựng “điểm sáng văn hóa” của bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa (Bắc Yên); cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi lề lối làm việc của Cục Thuế tỉnh... Về cá nhân có đảng viên Tô Khắc Hùng, chi bộ tiểu khu 4, xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) đã hiến 272 m2 đất làm đường liên bản; tuyên truyền, vận động một số gia đình cùng hiến đất, cây cối, hoa màu làm 1.760 km đường bê tông ở các xóm và liên xóm; Thào A Su, Bí thư chi bộ bản Suối Hẹ, xã Tạ Khoa (Bắc Yên) đã lãnh đạo chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao, giúp bản thoát nghèo; Cà Văn Dọn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Mường Bú (Mường La) tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng 710 km kênh mương bê tông nội đồng, đảm bảo nước phục vụ tưới tiêu cho 50 ha ruộng.
Đồng chí Trần Công Chính, Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy, cho biết: Kết quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung và Phong trào thi đua dân vận khéo trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào hết sức quý giá và thiết thực. Đã tạo tiền đề cho việc tiếp tục triển khai phong trào trong giai đoạn 2016-2020. Với phương châm “chất lượng phong trào” là hàng đầu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Ban Dân vận tỉnh ủy đã và đang tích cực tham mưu với Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo nghiên cứu nhân rộng những mô hình đạt kết quả gắn với đăng ký các mô hình mới. Điểm mới là các mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn này đã xác định được mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Qua theo dõi đăng ký, có nhiều mô hình đã bám sát Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 2/6/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Là cơ quan tham mưu trực tiếp về triển khai phong trào, Ban Dân vận tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn; đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra gắn với đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời. Nhờ vậy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có những chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực, hiệu quả, trở thành phong trào nòng cốt của các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước...
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy quy chế dân chủ “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”... Nhờ đó đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, đã có hàng nghìn hộ tự nguyện hiến từ vài chục đến hàng trăm mét vuông đất cho xây dựng các công trình. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia trong việc phối hợp hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, ủng hộ vật chất, phương tiện kỹ thuật cho xây dựng NTM... Kết quả, toàn tỉnh đã làm hàng trăm km đường giao thông, hệ thống kênh mương, nhà văn hóa xã, bản đạt chuẩn... với tổng các nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM hàng nghìn tỷ đồng.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ giai đoạn mới, bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Dân vận tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh; các mô hình hợp tác phát triển sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng NTM; vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đấu tranh xóa bỏ hủ tục lạc hậu... Đồng thời, đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vào tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các cấp. Phấn đấu đến năm 2020, bình quân toàn tỉnh đạt 10-12 tiêu chí/xã, có 23 xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%; 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế; đáp ứng cơ bản các dịch vụ thiết yếu đời sống; giao lưu hàng hóa, thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, trật tự xã hội nông thôn được giữ vững...
Trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể của tỉnh tiếp tục làm tốt công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện xây dựng NTM theo phương châm phát huy nội lực, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xây dựng tỉnh ta trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!