Với phương châm hướng về cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xã Đông Sang (Mộc Châu), thời gian qua, được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển.
Mô hình dân vận khéo trong liên kết các hộ dân sản xuất rau an toàn
tại bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu). Ảnh: PHẠM ĐỨC
Hằng năm, Đảng ủy xã Đông Sang đã kiện toàn khối dân vận xã; bổ sung quy chế hoạt động, phát động phong trào đăng ký mô hình “Dân vận khéo” tới chi bộ các bản, tiểu khu gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và phù hợp với nhiệm vụ của từng tổ chức đoàn thể. Trong đó, Ủy ban MTTQ xã xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tập trung đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, xây dựng gia đình văn hóa; tích cực đóng góp ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo”. Riêng năm 2016, đã quyên góp trên 25 triệu đồng cho quỹ “Ngày vì người nghèo”. Hội LHPN xã đăng ký mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu dân cư và tại gia đình; đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, giảm tỷ lệ gia đình hội viên nghèo xuống còn 18%. Mô hình “Dân vận khéo” của Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất, nâng cao thu nhập. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, như: Trồng rau an toàn, trồng cây ăn quả thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm của gia đình hội viên Nguyễn Văn Huê, Nguyễn Văn Dũng, Lò Văn Thượng (bản Búa); mô hình nuôi lợn hàng hóa thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm của gia đình các hội viên: Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Nguyên (bản Tự Nhiên)...
Trong thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền xã đã phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo thuận lợi để người dân được tham gia bàn bạc, trực tiếp làm, kiểm tra, giám sát những công việc của xã, bản, tiểu khu. Trước khi thực hiện xây dựng các công trình, dự án liên quan đến người dân, đều tổ chức họp dân, bàn bạc công khai, thống nhất các phương án thực hiện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức: niêm yết tại trụ sở, trên hệ thống loa truyền thanh và tại các cuộc họp dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện.
Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cùng với cấp ủy, ban công tác mặt trận các bản, tiểu khu tuyên truyền cho bà con hiểu rõ ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ đó, tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Cán bộ, đảng viên luôn đi trước, làm trước, điển hình, như: đảng viên Nguyễn Thị Loan, Chi bộ Tiểu khu 34 hiến 60 m2 đất thổ cư; đảng viên Lò Thị Nhúc, bản Búa, hiến hơn 120 m2 đất vườn để xây dựng đường giao thông nông thôn... Năm 2016, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 6,3 tỷ đồng, gần 5.000 ngày công lao động cùng với hỗ trợ của Nhà nước hoàn thành 24/34 tuyến đường nội bản, liên bản, với tổng chiều dài trên 3,4 km; xây dựng hơn 6,6 km đường nội đồng từ trung tâm xã đi bản Cóc. Đến nay, xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thông qua phong trào “Dân vận khéo”, bà con trong xã đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan chức năng xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự địa bàn...
Phong trào “Dân vận khéo” ở Đông Sang đã và đang huy động sức mạnh của toàn dân trong việc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong xã.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!