Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 2/4/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Yên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2021-2025. Hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã có những chuyển biến tích cực về nguồn nhân lực trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Nghị quyết số 11-NQ/HU của Đảng bộ huyện Bắc Yên về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tập trung phát triển và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn; cải thiện năng suất lao động xã hội, góp phần phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội...
Để có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, Ban Thường vụ Huyện ủy tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong Đảng bộ huyện; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học nâng cao trình độ; mở các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Bắc Yên đã cử 9 cán bộ đi học lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và không tập trung; 4 cán bộ học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị; 38 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh; trình Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh điều chỉnh mở lớp trung cấp lý luận chính trị từ hệ không tập trung sang hệ tập trung tại huyện cho 49 học viên; 106 học viên học sơ cấp lý luận chính trị tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện. Đồng thời, cử 16 cán bộ học cao học các chuyên ngành; 455 quần chúng ưu tú tham gia lớp đối tượng kết nạp Đảng; 323 đảng viên học lớp bồi dưỡng đảng viên mới; 59 đồng chí là bí thư, phó bí thư, văn phòng cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy tham gia lớp bồi dưỡng công tác xây dựng Đảng; 143 bí thư, phó bí thư chi bộ bản tiểu khu tham gia lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ; 840 lượt cán bộ cấp xã, bản tập huấn về nghiệp vụ...
Đồng chí Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã Làng Chếu, nói: Tham gia lớp bồi dưỡng về công tác xây dựng Đảng, giúp tôi hiểu hơn về tổ chức cơ sở đảng và nhiệm vụ chính trị của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; nhiệm vụ của chi ủy, bí thư chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên… Từ đó, có thêm kiến thức để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, huyện Bắc Yên có trên 98% số cán bộ, công chức cấp huyện, trên 70% số viên chức đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 100% số cán bộ công chức cấp xã trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện từ cấp trưởng, phó phòng, ban và cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên.
Đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Huyện đã chọn cử 5 đồng chí tham gia tuyển chọn theo Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030. Quan tâm đào tạo cán bộ theo hướng lấy kinh nghiệm từ thực tiễn, bằng cách luân chuyển vị trí công tác, để cán bộ phát huy năng lực, chủ động, sáng tạo trong nhiệm vụ. Đã có 12 bí thư đảng ủy xã không phải người địa phương, đạt 75%; thực hiện 87 bản, tiểu khu có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, trưởng tiểu khu, đạt 86,1% tổng số bản; trong đó, 7 xã thực hiện đạt 100% số bản có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản...
Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Huyện ủy Bắc Yên lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể chú trọng đào tạo nghề nguồn lao động nông thôn. Tăng cường thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm cho các khu công nghiệp trong nước; tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã mới; phát triển thị trường lao động; tăng cường cho vay giải quyết việc làm...
Trong 2 năm qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Yên tham mưu UBND huyện ban hành 9 kế hoạch việc làm, đào tạo nghề, tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp, thu hút hơn 2.220 học sinh, người lao động tham gia... Tham mưu ký kết quy chế phối hợp giữa Huyện ủy Bắc Yên và Đảng ủy Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2022-2025; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các công ty, doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo nghề tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện...
Từ năm 2021 đến nay, huyện Bắc Yên giải quyết, tạo việc làm cho 4.027 lao động; đào tạo, liên kết đào tạo 1.951 người trong độ tuổi lao động; phối hợp các đơn vị đào tạo thường xuyên nghề nông nghiệp cho 580 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động thuộc dân tộc thiểu số theo nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia... Hiện nay, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội của huyện Bắc Yên đạt 71%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, hướng nghiệp đạt 47,5%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,1%.
Trước đây, gia đình anh Mùa A Lồng và nông dân bản Háng Đồng, xã Háng Đồng, trồng chè chủ yếu để cây phát triển tự nhiên, nên năng suất, chất lượng thấp. Tháng 11/2022, gia đình anh và các hộ dân trong bản được Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện Bắc Yên phối hợp với Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật Trường Đại học Tây Bắc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, đến nay, anh và các hộ dân đã có nhiều kiến thức, kỹ thuật trong chăm sóc cây chè. Anh Lồng nói: Sau khi được tập huấn, tôi đầu tư máy cắt để đốn, tỉa những cành chè già cỗi; xới đất xung quanh gốc khoảng 20cm rồi bón phân. Năm qua, cây chè đã ra nhiều búp và búp to hơn, với 1 ha chè đã mang lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm.
Còn gia đình chị Thào Thị Dụ, cùng bản Háng Đồng, ngoài áp dụng các kiến thức đã được học vào trồng chè, chị phối hợp với Công ty Chè Tây Bắc tại Mộc Châu đầu tư xưởng chế biến, sao chè bằng máy và thu mua chè búp tươi của nhân dân trên địa bàn xã. Chị Dụ chia sẻ: Trung bình mỗi ngày tôi thu mua khoảng 50 kg chè búp tươi của nhân dân để chế biến ra gần 10kg chè khô/ngày. Giá bán hiện tại cho Công ty Chè Tây Bắc là 350 nghìn đồng/kg chè khô, có kiến thức, có kỹ năng trồng chè cho thu nhập cao hơn hẳn, đời sống chắc chắn sẽ khấm khá lên.
Phát triển nguồn nhân lực khâu đột phá chiến lược
Nói về định hướng phát triển nguồn nhân lực thời gian tới, đồng chí Đỗ Văn Xiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Phát triển nguồn nhân lực được huyện xác định là khâu đột phá chiến lược. Năm học 2022-2023, toàn huyện có trên 20.700 học sinh, trong đó 95,38% là đồng bào người dân tộc thiểu số, huyện sẽ tập trung cao cho giáo dục và đào tạo, thu hút đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp; chú trọng giáo dục đạo đức và kỹ năng cho học sinh; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, phấn đấu năm học 2022 -2023, có thêm 4 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cao số trường đạt chuẩn quốc gia lên 45%.
Đồng thời, thực hiện tốt đào tạo nghề; tìm kiếm, hợp tác với các địa phương có nhu cầu về lao động, đưa lao động của huyện đi làm việc. Coi trọng xuất khẩu lao động để vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa tạo điều kiện cho việc tiếp cận công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng lao động. Chú trọng phát triển nhân lực qua việc đào tạo gắn với sử dụng và trọng dụng nhân tài. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng... Mục tiêu đến năm 2025, đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho khoảng 8.000 lao động; tạo việc làm mới cho trên 7.500 lao động trực tiếp tham gia sản xuất.
Sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bắc Yên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực là cơ sở để huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân vùng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!