Phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ luật. kỷ cương, tăng tính công khai minh bạch, để dân chủ phải làm “chìa khóa” trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đó là khẳng định của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội.
Đồng Tháp: Thực hiện quy chế dân chủ thông qua các mô hình tự quản khu dân cư
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: Vai trò của hệ thống chính trị là định hướng, không can thiệp sâu vào công việc của người dân và hãy để cho nhân dân tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Ở Đồng Tháp, dân chủ của người dân được phát huy rõ nét thông qua các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Đồng chí Lê Minh Hoan đã lấy dẫn chứng cụ thể về 2 mô hình mang lại những hiệu quả thiết thực được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đó là mô hình “Hội quán” và mô hình “Tổ nhân dân tự quản”.
Mô hình “Tổ nhân dân tự quản” bắt đầu từ 36 đơn vị thí điểm, đến nay đã lập, vận hành hiệu quả được gần 12.500 tổ. Đây là mô hình tự quản của cộng đồng dân cư, quy mô từ 30-40 hộ, hoạt động với 2 nội dung trọng tâm là khuyến học và giữ an ninh trật tự. Đây cũng là nơi kịp thời tiếp nhận những thông tin, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân cư đến với các cấp ủy, chính quyền.
Mô hình “Hội quán” cũng bắt đầu từ tổ chức “Canh tân hội quán” thành lập tháng 7/2016. Đến nay, đã có 52 hội quán với gần 1.800 thành viên, phát triển được 5 hợp tác xã. Hội quán ra đời gắn với một ngành nghề, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, do người dân tự nguyện lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ chuyện làng xóm, chuyện nhà…
“Đến nay, hoạt động của Hội quán đã từng bước thay đổi nhận thức, phát huy quyền làm chủ của người dân, với tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự chủ, tự quản; khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân đã tự học hỏi nhau trong kinh nghiệm sản xuất; chủ động liên kết theo hướng hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư. Có thể nói, các mô hình này đã phát huy dân chủ của người dân của người dân ở cộng đồng dân cư về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội” - Đồng chí Lê Minh Hoan cho biết.
Từ kinh nghiệm thực tế, đồng chí Lê Minh Hoan cho rằng: Để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả, ngoài việc cấp ủy cơ sở xác định rõ vai trò của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thì hệ thống chính trị phải nâng cao vai trò định hướng, không can thiệp sâu vào công việc của người dân, để người dân tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm.
Cùng với đó, cần tăng cường việc tuyên truyền, vận động công khai những nội dung công việc cho người dân biết, tạo điều kiện cho nhân dân phát huy trí tuệ, sáng tạo trong quyết định, bàn bạc, trách nhiệm của nhân dân và cộng đồng dân cư làm chủ. Vai trò của cấp ủy, chính quyền là định hướng cho nhân dân xây dựng quy chế hoạt động cụ thể của từng tổ chức, mô hình sát với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, không dập khuôn, áp đặt.
Ninh Bình: Sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân ngày càng bền chặt
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định: Sau 20 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy nhận thức và thực hành dân chủ của cấp ủy, cơ sở được nâng lên rất nhiều. Từ việc thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, người dân ngày càng thấy rõ vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhận thấy rõ thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Thêm một cách làm mới được Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ rõ, đó là việc thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, huy động đóng góp… đều được công khai để dân biết, dân được bàn, dân được quyết định, được giám sát.
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở mà Ninh Bình từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đại 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn; một bộ phận nhân dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại… đến nay, sau hơn 7 năm thực hiện, Ninh Bình đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền huy động gần 33 tỷ đồng, trong đó huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 8,1 ngàn tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất để dồn điền đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn; huy động trên 10 vạn ngày công… Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Làm tốt công tác công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị cho nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Dẫn chứng cho điều này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chia sẻ về trường hợp của một nông dân trồng ổi ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh khi tham gia trả lời trên truyền hình đã phấn khởi cho biết: "Hiện mỗi sáng thức dậy là tôi có 400 nghìn đồng, làm nông dân như tôi có phải sướng không...".
Từ đâu lại có kết quả đó, chính là nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trong chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp giúp nâng cao đời sống vật chất của nhân dân.
“Từ thực tiễn có thể khẳng định, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực hành dân chủ không chỉ là mục tiêu động lực mà còn trở thành “chìa khóa” tập hợp khối đại đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy sức sáng tạo trong nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!