Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt; mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần”, những năm qua, Chi bộ bản Nậm Giắt, xã Phổng Lái (Thuận Châu) phát huy vai trò lãnh đạo, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định năng lực lãnh đạo và uy tín của tổ chức Đảng ở cơ sở.
Điểm sáng phát triển Đảng
Đến Nậm Giắt những ngày tháng 6, không khí thi đua lao động, sản xuất chào mừng Đại hội Đảng các cấp thật sôi nổi. Người dân trong bản, người chăm sóc những vườn mận, chanh leo đang vào vụ quả, người cắt cỏ cho gia súc, người thoăn thoắt hái những búp chè xanh mơn mởn, người lại đang miệt mài thêu hoa văn trên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu... Ấn tượng hơn là gia đình nào cũng treo cờ Tổ quốc trang trọng, như khẳng định niềm tin của đồng bào dân tộc Mông với Đảng.
Cánh đồng chè của người dân bản Nậm Giắt.
Nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại, bản Nậm Giắt có 252 hộ, trên 1.100 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà gỗ truyền thống, anh Sồng A Sai, Bí thư Chi bộ bản Nậm Giắt, thông tin: Chi bộ bản Nậm Giắt là chi bộ có số lượng đảng viên đông nhất trong Đảng bộ xã Phổng Lái, với 52 đảng viên. Chỉ riêng trong năm 2019, Chi bộ bản Nậm Giắt đã kết nạp 6 đảng viên mới, chủ yếu là các đảng viên trẻ, độ tuổi từ 24 - 30 tuổi. Chi bộ có nhiều thế hệ đảng viên, có những đảng viên năm nay đã ngoài 80 tuổi, có những đảng viên mới chỉ ngoài 24. Dù chênh lệch về tuổi tác, nhưng các đảng viên trong Chi bộ luôn đoàn kết, tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc của bản, nhiều năm liền Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Các đảng viên trong Chi bộ theo độ tuổi mà cụ thể hóa việc học và làm theo Bác bằng những phần việc khác nhau. Các đảng viên lớn tuổi phát huy tuổi cao gương sáng, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ mê tín... Còn với các đảng viên trẻ tuổi, tri thức, thì việc học và làm theo Bác chính là vận dụng những kiến thức đã được học, áp dụng vào cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ các gia đình khác trong bản cùng phát triển.
Đường vào khu sản xuất của bản Nậm Giắt được đổ bê-tông từ đóng góp của nhân dân.
Kết quả trong công tác phát triển Đảng ở Nậm Giắt là rất đáng ghi nhận, bởi nhiều chi bộ vùng cao gặp khó khăn do đoàn viên, thanh niên thường thoát ly khỏi địa phương, đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, thì ở Nậm Giắt, việc tạo được niềm tin để giữ chân đội ngũ thanh niên ở lại địa phương không chỉ xây dựng được nguồn nhân lực có năng lực, am hiểu thực tiễn để phát triển kinh tế- xã hội, mà còn tạo được nguồn phát triển Đảng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở... Nói về kinh nghiệm trong công tác phát triển đảng viên mới, Bí thư chi bộ Sồng A Sai thẳng thắn: Chi bộ giao cho các đoàn thể của bản tổ chức hài hòa phong trào phát triển kinh tế với giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao... thu hút, tập hợp quần chúng tham gia, qua đó, lựa chọn những người tiêu biểu, gương mẫu, được bà con tin tưởng, quý mến để bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, khẳng định thêm: Đảng viên trẻ chính là những “hạt nhân” trong công cuộc phát triển kinh tế, tạo cho Nậm Giắt trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Những kinh nghiệm trong công tác phát triển Đảng ở Nậm Giắt còn là cơ sở để Đảng ủy xã nghiên cứu, nhân rộng trong toàn Đảng bộ.
Gương mẫu đi đầu
Bản Nậm Giắt bây giờ đang nắm giữ những con số ấn tượng: Trên 100 ha chè, 60 ha sa nhân, 40 ha cà phê, 15 ha mận, 5 ha nhãn ghép, gần 5 ha chanh leo; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8% (thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của xã Phổng Lái 4,28%); các tuyến đường nội bản được kiên cố hóa; bản có điểm trường để cho con em học tập; các công trình nước sạch, nhà văn hóa được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Anh Sồng A Sai, Bí thư Chi bộ bản Nậm Giắt (ngoài cùng bên phải)
trao đổi với người dân kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.
Xác định rõ vai trò lãnh đạo toàn diện, Chi bộ bản đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, trong đó, các đảng viên là những hạt nhân tiên phong, gương mẫu làm trước để nhân dân học tập, noi theo. Điển hình là ông Lầu Chù Tủa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, luôn gương mẫu đi đầu và tích cực vận động người dân trong bản thực hiện tốt cam kết “5 có 5 không”; ông Vừ Nhìa Tú là người tiên phong đưa cây chè về trồng ở Nậm Giắt, sau khi thành công đã vận động người dân trong bản cùng trồng chè, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các gia đình trong bản; anh Vừ A Hùng, đảng viên trẻ tuổi sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nông Lâm Sơn La đã trở về quê hương, mang kiến thức đã được học về kỹ thuật trồng cây ăn quả, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, đem lại năng suất cao... hướng dẫn người dân trong bản áp dụng vào sản xuất.
Mô hình trồng cây sa nhân của người dân bản Nậm Giắt.
Đi trên con đường bê-tông dẫn vào khu sản xuất của nhóm dân cư Phiêng Luông (thuộc bản Nậm Giắt) mới hoàn thành, Trưởng bản Lầu A Chứ kể chúng tôi nghe nhiều chuyện về cuộc sống đổi thay của người dân, từ chỗ không điện, đường, nước sinh hoạt..., giờ đây, nhóm dân cư Phiêng Luông nhà nào cũng có xe máy, tivi, trẻ con được học bài dưới ánh sáng điện lưới quốc gia... Có được điều đó, không thể không kể đến câu chuyện về tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên để tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết của người dân nơi đây. Anh Chứ bảo, trước kia, nhóm dân cư Phiêng Luông thuộc bản Nậm Giắt nằm sâu trong vùng trũng của thung lũng núi đá, cứ mùa mưa đến nước ngập hết cả khu, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Năm 2015, huyện Thuận Châu di dời khẩn cấp các hộ này đến vị trí cao hơn. Để ổn định cuộc sống cho trên 40 hộ dân, ngoài sự quan tâm đầu tư của huyện, xã, Chi bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Nhưng toàn bộ đất sản xuất của nhóm dân cư Phiêng Luông lại nằm ở khu vực bản cũ, nông sản làm ra đem bán ra thị trường tốn rất nhiều công vận chuyển. Xác định việc làm đường vào khu sản xuất là cần thiết, các đảng viên trong Chi bộ lại một lần nữa tiên phong “đi trước” trong việc đóng góp kinh phí, ngày công, rồi thuyết phục, vận động người dân tham gia. Khi tư tưởng đã “thông”, nhóm dân cư Phiêng Luông tự nguyện đóng góp tiền, tích cực tham gia làm đường, nên chưa đầy 1 tháng thi công, tuyến đường bê-tông gần 2 km, đã hoàn thành.
Chúng tôi đến thăm trang trại của anh Lầu A Giàng, một trong những người làm kinh tế khá của bản. Trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, anh Giàng phấn khởi: Từ khi có con đường bê-tông vào khu sản xuất, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại rất thuận tiện, không chỉ gia đình tôi mà cả bản, cứ đến mùa thu hoạch nông sản là tấp nập xe ra vào thu mua nông sản cho bà con, ai cũng vui. Nhà tôi hiện trồng 2 ha sa nhân, 1 ha mận xen cây cà phê... mỗi năm thu trên 150 triệu đồng.
Ngoài gia đình anh Giàng, bản Nậm Giắt còn rất nhiều gia đình có mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao, như: Gia đình ông Vừ Nhìa Tú trồng 3 ha chè, thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm với HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm; gia đình ông Sồng Giống Khứ với 6 ha cà phê, 2 ha chè thu về trên 200 triệu đồng/năm; gia đình anh Mùa A Của trồng 4 ha sa nhân, 1 ha chanh leo, mận, thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm...
Chia tay Nậm Giắt khi trời đã xế chiều, chạy xe êm ru trên đường bê tông, trong khung cảnh vùng quê trù phú, yên bình, chúng tôi hiểu, những cán bộ đảng viên của Chi bộ Nậm Giắt, với niềm tin sắt son với Đảng, đang thực sự là những “ngọn lửa hồng”, ngày đêm âm thầm thắp sáng miền rẻo cao này, để cuộc sống bà con nơi đây ngày càng phát triển, hạnh phúc, ấm no.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!