Qua 5 năm ( 2011-2015) triển khai, thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ tỉnh đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của công tác dân vận theo đúng tinh thần Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Bộ đội Biên phòng Đồn Chiềng Tương (Yên Châu) tuyên truyền
pháp luật tại bản Pa Khôm, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu.
Qua đó, tổ chức đảng và đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, coi trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; phát huy mạnh mẽ dân chủ trong Đảng, các tổ chức chính trị và nhân dân, góp phần xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Ngay sau khi phong trào “Dân vận khéo” được triển khai, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh gắn với phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, các phong trào thi đua của từng ngành, từng địa phương đã thực sự đi vào đời sống xã hội. Các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã đăng ký xây dựng 687 mô hình “Dân vận khéo”; triển khai thực hiện 665 mô hình; trong đó: 240 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 208 mô hình thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội, 128 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 89 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Cùng với đó, các phong trào thi đua yêu nước được các cấp, các ngành, đoàn thể phát động mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành công. Có thể nói, 5 năm thực hiện phong trào” Dân vận khéo” đã khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia tích cực vào các mô hình mang tính toàn diện, hiệu quả và tạo ra hướng phát triển mới có tính tích cực cao; nhất là việc nhân dân xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, hiến hàng nghìn mét vuông đất làm đường nông thôn; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, nhóm liên gia tự quản được hình thành rộng khắp; hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng vững mạnh...
Song, trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào “ Dân vận khéo” còn bộc lộ những hạn chế, đó là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chú trọng chỉ đạo phong trào; công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, nên số lượng đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” chưa nhiều và chưa trọng tâm; một số nơi đăng ký nhưng không thực hiện hoặc trong quá trình thực hiện còn mang tính hình thức; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện phong trào, nhất là ở cơ sở. Nội dung, hình thức còn chung chung, chưa thu hút được sự quan tâm của đoàn viên, hội viên tham gia. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế...
Từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện phong trào” Dân vận khéo” 5 năm qua ở tỉnh ta có thể nhận thấy: Các cấp uỷ Đảng đã coi phong trào” Dân vận khéo” là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới. Để triển khai có hiệu quả, các cấp ủy Đảng phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng cá nhân trong xây dựng và thực hiện mô hình “Dân vận khéo”; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời để có biện pháp tiếp tục nhân rộng những mô hình có hiệu quả; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ sở và các phong trào do các ban, ngành, đoàn thể phát động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề tại cơ sở như: tham gia tích cực phong trào phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng cần được nhân rộng trong xã hội.
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh phong trào “ Dân vận khéo” nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là ở cấp cơ sở; việc đăng ký, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải cụ thể trên từng lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị bảo đảm tính bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!