Trong nhiều năm qua, ngành Kiểm sát Sơn La đã quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế những phát sinh tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Công chức, người lao động toàn ngành luôn nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành.
Nguyễn Đình Đức
Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, như: chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; thực hiện đầy đủ “Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công với những quy định mới về định mức tiêu chuẩn, chế độ và thực hiện nghiêm túc 5 chuẩn mực chung, 9 chuẩn mực cụ thể quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh ban hành; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; kê khai, công khai bản kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, xử lý sau thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của công chức trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những năm qua, ngành Kiểm sát Sơn La luôn được công nhận đơn vị trong sạch, vững mạnh; không có trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bị xử lý.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban phối hợp liên ngành năm 2019
trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ảnh: Thu Hương (Viện KSND tỉnh)
Trước tình hình diễn biễn phức tạp của tội phạm tham nhũng, ngành Kiểm sát Sơn La đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện, gắn chặt công tố với điều tra, đẩy nhanh tiến độ và xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Tăng cường kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố đối với những vụ, việc có dấu hiệu tham nhũng; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường các biện pháp nâng cao số vụ án về tham nhũng được khởi tố và nâng cao tỷ lệ giải quyết án. Chủ động yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện kịp thời việc xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng phạm tội nhằm ngăn chặn không để bị can chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản ngay từ giai đoạn thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm để thu hồi tài sản; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ. Triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, bảo vệ thuyết phục quan điểm truy tố, khẳng định vai trò, vị trí của kiểm sát viên, quan điểm xử lý của ngành Kiểm sát và nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo theo tinh thần cải cách tư pháp. Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Viện KSND tỉnh tranh thủ sự phối hợp của Ban Nội chính tỉnh ủy, lãnh đạo liên ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thận trọng và có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong đấu tranh xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, quan tâm làm rõ những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, đặc biệt là nguyên nhân từ cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế để tham mưu với tỉnh ủy, kiến nghị với UBND tỉnh, cơ quan hữu quan các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm...
Với phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát Sơn La đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành Kiểm sát Sơn La đã và đang tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của mình; nỗ lực đóng góp xây dựng nền tư pháp văn minh, tiến bộ, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!