Ngày 15/9, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc". PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Quốc Lý khẳng định, Tây Bắc Việt Nam là một vùng rộng lớn có vị trí chiến lược đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tây Bắc đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, trước những biến đổi nhanh chóng của quá trình cấu trúc lại nền sản xuất xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển Tây Bắc theo hướng phát triển bền vững, trong đó đặc biệt là vấn đề phát triển nguồn nhân lực những năm qua được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, việc nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đảm bảo vững chắc an ninh và biên giới quốc gia.
Trên cơ sở phân tích lý luận và thực tiễn, các đại biểu đều cho rằng, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị năng lực công tác được nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số cần phải được tăng cường nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Theo TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội: Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở vùng Tây Bắc, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng môi trường chính sách, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các tổ chức địa phương; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ các cấp ở vùng dân tộc; xây dựng và ban hành chính sách đãi ngộ và khuyến khích cán bộ, công chức vùng dân tộc…
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên cho biết: Để nâng cao năng lực hiệu quả trong chỉ đạo điều hành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Điện Biên đã và đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số ở cơ sở, là cấp trực tiếp thực thi các chế độ chính sách đối với người dân.
Theo đồng chí Lò Văn Muôn, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương thì cần có sự hỗ trợ và ban hành thực hiện các chính sách thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số để những cán bộ này trở thành những hạt nhân trong quản lý điều hành hệ thống chính trị; đồng thời là những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thay đổi những tập tục lạc hậu thúc đẩy phát triển nông thôn vùng Tây Bắc.../.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!