Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng được củng cố và nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào đoàn kết, huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

 

Chi bộ bản Huổi Lương, xã É Tòng (Thuận Châu) triển khai nghị quyết phát triển sản xuất kinh tế tại buổi sinh hoạt chi bộ.

 

Xác định việc củng cố, đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vùng DTTS phải luôn thống nhất với thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước; nhiệm vụ xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở gắn chặt với thực hiện tốt các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS... Ban Thường vụ tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn củng cố hệ thống chính trị các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ thực hiện đảm bảo quy trình, chất lượng tiêu chuẩn và tỷ lệ, cơ cấu phù hợp. Chú trọng tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, giai đoạn 2015-2020, các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 11.200 đảng viên là người DTTS; hiện 100% bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã phát huy tốt vai trò của người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS trong tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, là nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với đó, hoạt động HĐND, UBND cấp xã có chuyển biến tích cực, hiệu quả; thực hiện tốt mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Chức năng, nhiệm vụ, quản lý, điều hành của UBND được thể hiện rõ nét hơn; các tổ chức trong hệ thống chính trị xã, bản và vùng đồng bào DTTS từng bước được củng cố, tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chủ trương của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp vùng DTTS đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc sáp nhập và đặt tên bản, xóm, tiểu khu, tổ dân phố. Đến nay, đã giảm 815 bản; giảm 7.123 người hưởng phụ cấp và hỗ trợ ở bản, tiểu khu, tổ dân phố; giảm 4.100 lãnh đạo bản và các tổ chức thuộc bản, tiểu khu, tổ dân phố, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS; tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể bản, tổ dân phố hoạt động đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp ở địa phương.

Tìm hiểu ở bản Cát, xã Co Mạ (Thuận Châu), bản có 100% hộ đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Là bản nằm xa trung tâm xã nhưng các tổ chức đoàn thể của bản Cát đều được duy trì và hoạt động thường xuyên; triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương lớn của tỉnh, của huyện Thuận Châu như thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc, quy hoạch vùng trồng dứa nguyên liệu cho nhà máy DOVECO. Đồng chí Vì Văn So, Bí thư chi bộ, trưởng bản, cho biết: Chi bộ bản hiện có 7 đảng viên sinh hoạt; các tổ chức đoàn thể ở bản được duy trì hoạt động và xây dựng được một số mô hình, tổ nhóm giúp hội viên vay vốn, giống, cây con để phát triển kinh tế, như tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế gia đình, phong trào của đoàn thanh niên trồng rừng, phong trào nông dân sản xuất giỏi.

Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Việc củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, diện mạo kinh tế, xã hội các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, xã hội từng bước nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 196/204 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; 78% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông; 66,7% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động DTTS qua đào tạo đạt 41,4%, tỷ lệ lao động DTTS được cấp bằng, chứng chỉ đạt 16%.

Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại tại vùng DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND; đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tăng cường công tác dân vận của Đảng, dân vận chính quyền theo hướng gần dân, sát cơ sở. Triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, quan tâm đào tạo nghề, phát triển đảng viên là người DTTS. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên, nhất là hội viên là người DTTS, góp phần nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới