Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Nắm bắt dư luận xã hội là yêu cầu khách quan trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đồng thời, còn thể hiện sự gắn bó mật thiết của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” chỉ rõ: Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là công tác dư luận xã hội) nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thể thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Với nguyên tắc kế thừa và phát triển, việc tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác tử tưởng nói chung, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực, có lợi cho hoạt động lãnh đạo, quản lý; góp phần hình thành “thế trận lòng dân” trong thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn mới.

Qua hơn 36 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Song, mặt trái của cơ chế thị trường và những diễn biến khó lường của tình hình trong và ngoài nước tác động không nhỏ tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn lợi dụng những tin đồn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; sử dụng mạng xã hội để loan tin công kích, chống phá Đảng và Nhà nước nhằm chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Giai đoạn mới có nhiều điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao đối với công tác nắm bắt dư luận xã hội. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập để nhanh chóng có những biện pháp khắc phục kịp thời, sát hợp, hiệu quả. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhìn nhận: Dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời.

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn đặc biệt quan tâm nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn, phục vụ tốt công tác tư tưởng của Đảng bộ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, công tác này cũng còn những tồn tại, hạn chế, được Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ ra: Năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề thực tiễn chưa cao. Việc dự báo những vấn đề mới nảy sinh, kể cả sự xuất hiện những quan điểm sai trái của một số cấp ủy còn thiếu chủ động, thiếu chuẩn bị trong chỉ đạo đấu tranh phê phán.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về nắm bắt dư luận xã hội trong tình hình mới, ngày 24/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 469-QĐ/TU về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân cư trú trên địa bàn tỉnh hoặc cư trú tại địa phương khác đều có quyền phản ánh thông tin dư luận xã hội liên quan đến tỉnh Sơn La; về tâm tư, nguyện vọng; tồn tại, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La; những chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Quy định số 469 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khuyến khích và bảo vệ người cung cấp thông tin: Toàn bộ cuộc gọi đến được ghi âm để bảo đảm tính khách quan trong quá trình tiếp nhận thông tin. Thực hiện bảo mật về thông tin, về người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người cung cấp thông tin có quyền được giữ bí mật danh tính của mình khi cung cấp thông tin trong những trường hợp cần thiết. Trường hợp người cung cấp thông tin có yêu cầu được biết kết quả xử lý thông tin do mình cung cấp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý, giải quyết phải thông báo cho người đó biết theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thường xuyên cung cấp thông tin đúng, có giá trị giúp Thường trực Tỉnh ủy kịp thời phát hiện các hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không đúng sự thật, lợi dụng việc cung cấp thông tin để vụ lợi, gây rối, quấy nhiễu tổ chức, cá nhân hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, uy tín của người khác thì tùy theo mức độ sai phạm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước. Người cung cấp thông tin chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin (nếu vi phạm quy định của Nhà nước về cung cấp thông tin thì tùy theo mức độ, có thể xử lý theo quy định của pháp luật).

Quy định số 469-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác nắm bắt dư luận xã hội, nhằm dự báo sát, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong Đảng bộ, đồng thuận trong xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm sự của nhân dân, để kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có như vậy thì hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội mới kịp thời, đúng và trúng, công tác tư tưởng mới có chất lượng, hiệu quả. Các tầng lớp nhân dân cần phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia cung cấp thông tin, phản ánh dư luận xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý, phân loại thông tin và tham mưu hướng giải quyết theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp nhận thông tin trực tiếp hoặc tiếp nhận, nắm bắt thông tin dư luận xã hội qua đội ngũ cộng tác viên, báo chí, mạng xã hội, các tổ chức, cá nhân...

SĐT tiếp nhận thông tin: 02123.751.231; email: duluanxahoisl@gmail.com

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới