Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng (3-2-1930 - 3-2-2020), từ số báo hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục Những chặng đường vẻ vang của Ðảng. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sôi sục cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931
Ngay sau khi ra đời, Ðảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh tạo nên những cao trào cách mạng rộng lớn trong những năm 1930 - 1931. Quần chúng công nông và các tầng lớp xã hội khác đã tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng. Ðỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931 là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quần chúng cách mạng đã vùng lên, trừng trị bọn cường hào, phản động, tay sai thực dân Pháp, thành lập chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô-viết; thực hiện các chính sách tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xô-viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập cách mạng đầu tiên.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 tuy bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt nhưng nó đã khẳng định trên thực tế đường lối cách mạng Việt Nam do Ðảng ta đề ra là đúng đắn và để lại những bài học quý báu về xây dựng liên minh công - nông, về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, về phát động phong trào quần chúng đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền. Trong lúc cao trào cách mạng diễn ra sôi sục ở trong nước thì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Ðảng được triệu tập tại Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 14 đến 31-10-1930 do đồng chí Trần Phú điều hành. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về tình hình và nhiệm vụ cần kíp của Ðảng, dự thảo Luận cương chính trị của Ðảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo, thông qua Ðiều lệ Ðảng và Ðiều lệ các tổ chức quần chúng. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị quyết định đổi tên Ðảng Cộng sản Việt Nam thành Ðảng Cộng sản Ðông Dương; bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Ðảng. Ðồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư.
Luận cương chính trị được Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng thông qua đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, trong nước và nhận định chủ nghĩa tư bản đã chấm dứt thời kỳ tạm ổn định và chuyển sang thời kỳ tổng khủng hoảng. Cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã phát triển tới trình độ cao. Phong trào cách mạng thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến phong trào Ðông Dương. Vì vậy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Ðông Dương phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới.
Luận cương chính trị của Ðảng khẳng định: "Ðiều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Ðông Dương là cần phải có một Ðảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Ðảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lê nin làm gốc"(1).
Với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị T.Ư Ðảng lần thứ nhất đã khẳng định những vấn đề căn bản về chiến lược cách mạng Việt Nam.
----------------------------
(1) Văn kiện Ðảng toàn tập, t.2, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 1998, trang 100.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!