Khởi nghĩa giành chính quyền dân chủ nhân dân ở Sơn La (tháng 8/1945): Chi bộ Nhà ngục Sơn La xây dựng các tổ chức cách mạng

Nhà tù Sơn La do Pháp xây dựng từ năm 1908 dùng để giam giữ tù thường phạm. Do vị trí lợi hại của nhà tù nằm giữa núi rừng âm u, trùng điệp và hiểm trở, biệt lập, nên đến năm 1930, thực dân Pháp đã cho mở rộng nhà tù gấp ba lần diện tích cũ. Cuối năm 1930, chúng bắt đầu đày những chiến sĩ Cộng sản lên giam giữ tại đây và đổi tên Nhà tù Sơn La thành Ngục Sơn La.

 

 

Một góc Nhà tù Sơn La.

 

Từ năm 1930 đến năm 1938, thực dân Pháp đã đày 6 đoàn tù chính trị lên giam giữ ở ngục Sơn La. Từ năm 1939 đến năm 1942, thực dân Pháp đưa lên tám đoàn tù, có thời gian tổng số tù ở đây lên đến 500 người, phần lớn là các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách là phải có một tổ chức Chi bộ Cộng sản làm hạt nhân lãnh đạo và tổ chức đấu tranh trong nhà tù, cuối tháng 12/1939, các đồng chí đảng viên trong nhà tù đã bí mật nhóm họp và lập ra Chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Tháng 2/1940, Chi bộ lâm thời được chuyển thành chính thức và đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Bí thư. Tháng 5/1940, Đại hội Chi bộ được tổ chức để thảo luận, quyết định các chủ trương công tác và bầu Ban chi ủy, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư.

 

Sự ra đời của Chi bộ nhà ngục Sơn La đã đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở Sơn La, đồng thời đánh dấu giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng Sơn La. Chi bộ Đảng đầu tiên có vai trò quyết định trong việc tập hợp và xây dựng các tổ chức quần chúng, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề quan trọng cho sự thành công của cách mạng Sơn La sau này.

 

Ngay sau khi mới thành lập, Chi bộ nhà ngục Sơn La rất quan tâm đến việc tìm mọi cách bắt liên lạc với Trung ương Đảng và cơ sở Đảng bên ngoài nhà ngục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương và dựa vào đường lối chuyển hướng chiến lược của Trung ương, Ban chi ủy Chi bộ nhà ngục đã đề ra nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và bằng mọi cách phải xây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà ngục, chuẩn bị tiến tới vũ trang khởi nghĩa khi thời cơ đến. Giữa năm 1941, Chi bộ bí mật cho ra đời tờ báo “Suối reo” chép bằng tay đã có tác dụng to lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng cho đảng viên và quần chúng ở bên trong cũng như bên ngoài nhà ngục. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nguồn gốc của sự áp bức bóc lột, giúp cho nhân dân hiểu rõ về tù chính trị, về cách mạng, về Đảng. Cùng với công tác binh vận, Chi bộ quan tâm tuyên truyền giáo dục đến những người công nhân, công chức và học sinh. Với sự kiên trì giáo dục, thuyết phục của các đảng viên Chi bộ nhà ngục Sơn La, người dân Sơn La đã hiểu về cách mạng, về Mặt trận Việt minh nên sẵn sàng giúp đỡ tù chính trị. Thanh niên học sinh là những người có học thức đã nhanh chóng tiếp thu lý tưởng của Đảng, quyết tâm đi theo Đảng làm cách mạng để giải phóng quê hương, bản mường, mặc dù biết rằng con đường đi phải vượt qua rất nhiều chông gai, gian khổ, kể cả phải hy sinh tính mạng.

 

Đầu năm 1943, Chi bộ nhà ngục Sơn La đã bí mật lập ra tổ chức cách mạng đầu tiên ở Sơn La, đó là hai tổ Thanh niên cứu quốc (Mú nóm chất mương) ở Mường La và ở Tỉnh lỵ. Chi bộ đã phân công các đồng chí: Nguyễn Văn Trân, Mai Đắc Bân, Lưu Đức Hiểu và Trần Quốc Hoàn trực tiếp phụ trách việc liên lạc và chỉ đạo hai tổ Thanh niên cứu quốc hoạt động. Trong số đoàn viên thanh niên cứu quốc địa phương, có đồng chí Chu Văn Thịnh được đào tạo bồi dưỡng để trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Sơn La sau này. Đồng chí là người trực tiếp liên lạc giữa Chi bộ với các cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù. Tuy chưa có đảng viên và tổ chức Đảng ngoài nhà tù, nhưng từ đây phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Sơn La đã có sự chỉ đạo của Đảng, có đường lối chính trị đúng đắn soi đường làm cho phong trào cách mạng Sơn La phát triển theo chiều hướng mới, ngày càng mạnh mẽ, hoà chung vào phong trào cách mạng cả nước.

 

Lúc này, phong trào cách mạng của quần chúng nước ta đang dâng lên mạnh mẽ, đòi hỏi phải có nhiều cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín để lãnh đạo phong trào. Chi bộ nhà tù Sơn La đã cân nhắc và xây dựng kế hoạch vượt ngục, anh Lò Văn Giá là đoàn viên Thanh niên cứu quốc Mường La thông thạo địa hình Sơn La được chọn làm người dẫn đường. Ngày 3/8/1943, cuộc vượt ngục bắt đầu. Vượt qua bao khó khăn nguy hiểm, gian nan, cuộc vượt ngục đã thành công. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh Lò Văn Giá bị sa vào lưới của kẻ thù và chúng đã hèn hạ thủ tiêu anh. Tấm gương dũng cảm, bất khuất của anh Lò Văn Giá trở thành biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Sơn La.

 

Sau cuộc vượt ngục, bọn thống trị tiến hành khủng bố dữ dội các cơ sở cách mạng ở Tỉnh lỵ và Mường La khiến cho phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Chu Văn Thịnh trực tiếp được giao nhiệm vụ tìm địa điểm thuận lợi cho việc hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Sau một thời gian tìm hiểu, đồng chí Chu Văn Thịnh đã chọn địa bàn Mường Chanh thuộc châu Mai Sơn. Cuối năm 1943, Chu Văn Thịnh đã vào Mường Chanh gây cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân và thành lập Hội Thanh niên cứu quốc Mường Chanh gồm 12 hội viên. Hội Thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã phát huy ảnh hưởng tốt trong quần chúng nhân dân.

 

Cuối năm 1943, Chi bộ nhà ngục Sơn La bắt liên lạc được với Trung ương để  thực hiện những chủ trương lớn của Đảng đối với vùng Tây Bắc, mở ra một hướng đi mới cho phong trào cách mạng Sơn La. Chi bộ nhà ngục Sơn La được Trung ương công nhận và giao trách nhiệm chỉ đạo phong trào cách mạng Sơn La. Từ đây, phong trào cách mạng Sơn La đã có sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương.

 

Thời gian này, phong trào cách mạng Sơn La phát triển khá do có sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ nhà ngục. Phong trào cách mạng của Mường La và Tỉnh lỵ sau một thời gian tạm lắng đã trở lại hoạt động và mở rộng ra các vùng lân cận, các hội viên cứu quốc được kết nạp ngày một đông. Đến cuối năm 1944, tổ Thanh niên cứu quốc Mường La đã phát triển cơ sở sang khu tả ngạn sông Đà: Mường Bằng, Mường Bú, Mường Chùm. Tại Mường Chanh, Hội thanh niên cứu quốc đã có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng và đã kết nạp được 40 hội viên cứu quốc.

 

Đầu năm 1945, cục diện cách mạng thế giới có những chuyển biến cơ bản, phong trào cách mạng của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia ngày càng dâng cao. Trung ương Đảng đã quyết định những chủ trương mới, phát động một cao trào cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa. Chớp thời cơ đó, Chi bộ nhà ngục Sơn La đã họp mở rộng với Ban lãnh đạo nhà tù đề ra kế hoạch và chuẩn bị mọi mặt để tổ chức thoát ngục. Trước áp lực đấu tranh của tù chính trị và khí thế cách mạng, chiều 17/3/1945, tên Giám ngục buộc phải tuyên bố chuyển tù chính trị về căng Nghĩa Lộ. Trên con đường từ Mường La - Tạ Bú - Ngọc Chiến - Tú Lệ, các tù nhân đã đấu tranh tự giải thoát, gần 200 cán bộ của Đảng đã nhanh chóng toả về các địa bàn hoạt động, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, giành chính quyền ở các địa phương.

 

Vương Ngọc Oanh (Hội khoa học lịch sử tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới