Với việc huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và huy động sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân xây dựng hạ tầng nông thôn, những năm qua, hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, các dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trụ sở làm việc, cơ sở y tế được quan tâm đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Nâng cấp tuyến đường Nà Nghịu - Mường Lầm phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu đồng bộ, hạ tầng nông thôn phát triển chậm, nhất là ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng kém, chi phí cao; công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình hạ tầng hiệu quả chưa cao...
Để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 1 tháng 10 năm 2016 về tổ chức triển khai phát triển theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Nghị quyết là: Tập trung huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội để đảm bảo kết nối đồng bộ, tập trung đầu tư các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Mục tiêu cụ thể về phát triển giao thông đến hết năm 2016, có 171 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được đầu tư cứng hóa. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư các tuyến đường đến trung tâm xã, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% xã có đường đến trung tâm xã được cứng hóa, tập trung thực hiện cứng hóa đường nội bản. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, nâng cấp và xây mới các cảng đầu mối, cảng chuyên dùng, bến hàng hóa và hành khách kết nối với hệ thống đường bộ. Xây dựng cảng hàng không sân bay Nà Sản sớm đưa vào khai thác sử dụng. Đối với việc cấp điện nông thôn, đến hết năm 2016, có 88,8% hộ gia đình được dùng điện lưới quốc gia. Trên cơ sở triển khai thực hiện các dự án cấp điện, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% số hộ gia đình được sử dụng điện, trong đó có 97,5% hộ gia đình được dùng điện quốc gia. Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2016, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn và thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư một số lĩnh vực trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020, có 50% số xã trở lên cơ bản đạt các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có 23 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã dưới 5 tiêu chí. Về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại, 6 siêu thị và 203 chợ trung tâm và chợ đầu mối (đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 3 siêu thị, 119 chợ trung tâm và chợ đầu mối).
Các nhiệm vụ trong Chương trình đường giao thông; điện nông thôn, miền núi; xây dựng nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đã được đặt ra cụ thể. Bên cạnh đó, nhiệm vụ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng tại một số địa bàn trọng điểm được đề ra. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH các khu đô thị trọng điểm thành phố Sơn La, thị trấn Mộc Châu, Hát Lót, cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản; phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, định hướng kết nối với Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình và Khu du lịch Quốc gia hồ thủy điện Sơn La và các điểm du lịch khác; thu hút các nhà đầu tư vào một số dự án trọng điểm: Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Bệnh viện 500 giường, các điểm du lịch tâm linh, nghĩa trang nhân dân; xây dựng kế hoạch phát triển đô thị như xây dựng nhà ở xã hội, các trung tâm thương mại,...
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, thu hút các nhà đầu tư để huy động tối đa, bố trí sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Cụ thể hóa các quy định trong phân cấp quản lý đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; quy định cơ chế huy động, thu hút, khuyến khích đầu tư... Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù, hỗ trợ đầu tư phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, cơ chế hỗ trợ đầu tư các tỉnh đặc biệt khó khăn như Sơn La... Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tích cực cắt giảm các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư và cấp phép đầu tư, đơn giản hóa quy trình, thủ tục khởi sự doanh nghiệp, cấp phép đầu tư, thực hiện niêm yết công khai, minh bạch để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!