Hướng về cơ sở, xây dựng Hội Nông dân vững mạnh

Nhìn lại 8 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 02/10/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo quán triệt, tổ chức thực hiện toàn diện, nghiêm túc, hiệu quả, tạo được sự chuyển biến sâu rộng, tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị đối với cán bộ, hội viên và nông dân.

Hội thảo khoa học về Xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam.

Điểm nhấn trong những năm qua, các cơ quan tham mưu đã cụ thể hóa và ban hành các cơ chế, chính sách, nhất là về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, tư vấn và dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho hội nông dân trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Sự chủ động và chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy trong thực hiện công tác hội được nâng lên; việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, ngành được thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn. Phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Vai trò, vị thế, uy tín của hội nông dân ngày càng được nâng lên.

Kết quả đó là do Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 26-NQ/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác hội và phong trào nông dân. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 04/02/2015 chỉ đạo chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết, quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức Hội Nông dân củng cố, kiện toàn tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất hoạt động.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân Sơn La

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để hội nông dân các cấp hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội; quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức hội, bố trí đủ số lượng cán bộ theo quy định; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt của Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của hội nông dân.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội nông dân được quan tâm; có 304 lượt cán bộ được đào tạo về chuyên môn; 365 lượt cán bộ được đào tạo về lý luận chính trị; 85 cán bộ được cử tham gia các lớp tập huấn. Chủ tịch hội nông dân cấp xã đã được đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Hội Nông dân tỉnh và huyện đã phối hợp tổ chức mở 183 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội cho 6.038 lượt cán bộ hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hội nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano vào sản xuất. Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, thâm canh cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm hàng hoá lớn chất lượng cao. Đến nay, có 12.753 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử Postmart, 413 sản phẩm lên sàn Postmart.vn.

Toàn tỉnh đã tổ chức các hội thảo về “Phát triển mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn” tại các huyện, thành phố cho 700 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân, các doanh nghiệp, chủ hợp tác xã tiêu biểu của 12 huyện, thành phố. Tổ chức diễn đàn “Tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi” tại huyện, thành phố cho 200 đại biểu là cán bộ hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham dự và tổ chức 9 cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao với 900 cán bộ, hội viên nông dân, chủ trang trại và giám đốc các hợp tác xã. Từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức, nông dân trong toàn tỉnh đã chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng và duy trì 250 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời xây dựng được trên 20 nhãn hiệu được bảo hộ. Việc tham gia các chuỗi liên kết đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hội nông dân các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích thiết thực, chính đáng và hợp pháp của hội viên, nông dân để tập hợp nông dân vào tổ chức hội. Chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân. Tập trung đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua trọng tâm của hội; các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 12/12 huyện, thành phố và 199/204 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; 2.454 chi hội với 170.334 hội viên nông dân.

Các đồng lãnh đạo tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tham gia bao trái cây

Phong trào nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được triển khai có hiệu quả. Toàn tỉnh có 53.360 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập, góp phần hình thành các vùng sản xuất liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Hội nông dân trực tiếp đảm nhận xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo hệ thống điện và vệ sinh môi trường, tư vấn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong 08 năm, các cấp hội đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 677,5 tỷ đồng; 1.600.000 công lao động để sửa chữa và làm mới 300km đường giao thông nông thôn; 700km mương đã được kiên cố hóa, sửa chữa; cải tạo, kiên cố hóa 1.200 cầu, cống thoát nước; xây dựng 31 nhà văn hóa và hội trường bản; hạ thế 01 công trình điện trị giá 1,1 tỷ đồng. Hiến 505.350m2 đất thổ cư, đất sản xuất của gia đình để xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài ra nông dân còn đóng góp hàng chục ha đất, hoa màu và công trình trên đất, vốn để nâng cấp nhà cửa và xây dựng công trình vệ sinh...Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 880 hợp tác xã, trong đó trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện.

Phối hợp có hiệu quả với các ngân hàng trong công tác hỗ trợ, tín chấp cho hộ nông dân vay vốn. Tính đến 30/10/2022, có 199/204 xã nhận ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội, tổng dư nợ do tổ chức hội nông dân quản lý là trên 1.470 tỷ đồng với 33.351 hộ vay vốn thông qua 1.038 tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ), Hội nông dân quản lý tổng dư nợ cho vay có 301 tổ vay vốn, với 100% xã có tổ vay vốn, tổng dư nợ cho vay là 978.659,00 triệu đồng với 8.830 hộ được vay vốn.

Ngoài ra, các cấp hội trong tỉnh đã vận động hội viên giúp đỡ hội viên nghèo thông qua việc tự giúp nhau bằng ngày công, tiền vốn, kinh nghiệm làm ăn, vật liệu, cây con giống, hỗ trợ khai hoang phục hóa tạo ruộng bậc thang, tạo đất sản xuất được 615 ha; hỗ trợ 37.121 hộ về cây, con giống, phân bón để phát triển sản xuất. Hỗ trợ 51 mô hình giảm nghèo về chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cho 1.859 hộ và 416 dự án phát triển sản xuất cho 11.039 hộ; hỗ trợ một lần cho 5.931 hộ nghèo làm chuồng trại, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống cỏ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; hỗ trợ gạo cho 287 hộ nghèo giáp biên giới; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 600 hộ; hỗ trợ cán bộ khuyến nông xã, bản; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng quy hoạch sản xuất; cấp 404.155 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ khoán, khoanh nuôi bảo vệ 22.986 ha rừng tự nhiên và rừng sản xuất, trồng rừng tập trung... Tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 5.200 nông dân vào làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở SXKD, các trang trại trong nước.

Thực hiện các quy định về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Luật Hợp tác xã, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia góp ý kiến xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tham gia giám sát các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU trong hệ thống tổ chức hội chưa được quan tâm đúng mức; nội dung, phương thức hoạt động của một số tổ chức hội cơ sở còn chậm đổi mới. Sự phối hợp của một số cơ quan chức năng trong hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, hội viên, nông dân chưa đồng bộ, thống nhất, có mặt chưa phù hợp với thực tiễn.  Công tác hội nông dân ở một số nơi còn có mặt hạn chế, chưa thực sự phát huy sự chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu cho cấp ủy; việc nhân rộng điển hình tiên tiến còn chậm, một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của hội nông dân chưa thực sự đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện trong triển khai nhiệm vụ công tác hội. Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của một số cấp ủy, chính quyền còn chậm, có nơi triển khai chưa sát với thực tế của đơn vị; một số cấp ủy cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của hội và phong trào nông dân. Công tác phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với tổ chức hội nông dân trong thực hiện công tác hội có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.

Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện là, cấp ủy đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện Nghị quyết. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của chính quyền các cấp trong việc cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện Nghị quyết. Tăng cường công tác phối hợp của chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với hội nông dân trong thực hiện Nghị quyết. Tổ chức hội nông dân phải chủ động trong công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của hội và phong trào nông dân; chú trọng công tác củng cố, kiện toàn tổ chức hội, đẩy mạnh đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động sát với thực tiễn của cơ sở, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thiết thực của cán bộ, hội viên và nông dân. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt công tác khen thưởng, nêu gương, nhân rộng điển hình tiến tiến.

Chương trình Gala Hội Nông dân tỉnh Sơn La với chuyển đổi số.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp tỉnh Sơn La nói riêng đang đứng trước những cơ hội và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi cả hệ thống chính trị tỉnh phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông sản hàng hóa theo quy chuẩn.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trương ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV, tạo sự chuyển biến sâu rộng, tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị đối với công tác hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội nông dân theo hướng tăng cường vai trò của các cấp hội nông dân, hoạt động của hội nông dân cần bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với hội nông dân các cấp trong thực hiện công tác hội và phong trào nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục hỗ trợ cho hội viên vay vốn của Ngân hàng chính sách - xã hội chi nhánh tỉnh Sơn La để; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp với tổ chức hội nông dân; tạo điều kiện cho tổ chức hội nông dân tham gia vào các dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, hội viên và nông dân.

Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với hội nông dân, trọng tâm là tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia thực hiện các chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ sở, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua của hội, trọng tâm là phong trào "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".

Minh Khánh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới