Kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã giúp Đảng nhận diện ngày càng rõ hơn mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các hành vi vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ sở để Đảng bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm, giữ gìn sự nghiêm minh, làm trong sạch nội bộ Đảng.
Nhận diện rõ hơn mức độ suy thoái
Quá trình thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ khóa XI đến nay, cho thấy, việc nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngày càng cụ thể, đầy đủ và rõ ràng hơn. Qua thực tế công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực gần đây không chỉ chỉ rõ biểu hiện, hành vi vi phạm, mà còn nhận diện rõ hơn mức độ suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Mới đây, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật nghiêm khắc các tổ chức đảng và cá nhân vi phạm ở tỉnh Phú Yên. Trong đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ đảng đối với đồng chí Nguyễn Chí Hiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh.
Dẫn đến hậu quả đau lòng là bắt nguồn từ những sai phạm nghiêm trọng của tổ chức đảng và một số cán bộ chủ chốt tỉnh Phú Yên trong nhiều nhiệm kỳ, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài sản nhà nước, quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thi tuyển công chức, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước; để xảy ra một số vụ án hình sự, một số cán bộ, đảng viên trong đó có lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Riêng cá nhân đồng chí Nguyễn Chí Hiến, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa”; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo và ký nhiều văn bản vi phạm quy định của pháp luật; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Những vi phạm, khuyết điểm gây thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, làm giảm sút uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc xã hội.
Chỉ với quyết định thi hành kỷ luật nêu trên đã chỉ ra thực tế, tính chất, mức độ suy thoái của một cá nhân có chức vụ, quyền hạn có thể gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào đối với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa phương và bản thân cán bộ đó. Qua kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, nơi mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, những nơi khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây bức xúc dư luận, cho thấy, biểu hiện cũng như mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có phần phức tạp, tinh vi hơn.
Nhiều sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên có ảnh hưởng tiêu cực ở phạm vi lớn, mức độ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, như đã xảy ra tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và nhiều tỉnh, thành phố, có liên quan Công ty Việt Á; Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam...
Với phương châm kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật, đã chỉ rõ những hành vi vi phạm mà trước đây được coi là khó nhận diện như đưa và nhận hối lộ, bảo kê, bao che, tiếp tay cho hành vi phạm pháp, các hình thức “chạy” chức, quyền, bằng cấp, dự án... Việc nhận diện rõ biểu hiện, hành vi và mức độ suy thoái nhằm xác định chính xác động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi vi phạm, cũng là căn cứ xây dựng và áp dụng chế tài phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Kịp thời hoàn thiện chế tài kỷ luật đảng
Xuất phát từ thực tế công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn tới, tại Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu rất cao đối với nhiệm vụ kiểm tra đảng, với yêu cầu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; chủ động dự báo, kịp thời ban hành các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm, phát hiện, kiểm tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực...
Để kịp thời hoàn thiện chế tài kỷ luật đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị khóa XII. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây là Quy định về kỷ luật của Đảng lớn nhất và hoàn thiện nhất từ trước đến nay. Quy định số 69 hệ thống tương đối toàn diện, đầy đủ, cụ thể và bao quát các phương diện trong đời sống xã hội.
Các vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được đặt trong một quy định thống nhất, đồng bộ để xác định cụ thể các hành vi và chế tài xử lý làm căn cứ để kỷ luật. Điểm mới trong Quy định này tập trung ở ba nội dung chính, đó là, quy định các hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm; tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với hành vi vi phạm; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp thực tiễn và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Một trong những điểm mới là Quy định số 69 bảo đảm đồng bộ, nhất quán với Quy định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; cán bộ dám nhận ra sai lầm, khuyết điểm để chủ động sửa chữa, khắc phục vi phạm, hậu quả theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị.
Quy định này đồng thời bổ sung tình tiết tăng nặng đối với vi phạm của tổ chức đảng khi biết mà không ngăn chặn hoặc để cán bộ, đảng viên thuộc tổ chức mình trực tiếp quản lý xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng; và đối với vi phạm của đảng viên khi gây thiệt hại, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước nhưng không tự giác nộp lại tài sản do vi phạm mà có. Việc bổ sung nội dung này thống nhất với quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường tính răn đe, giáo dục, quản lý đảng viên của tổ chức đảng và trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về kỷ luật tổ chức đảng, Quy định tập trung xây dựng chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm của tổ chức đảng, nhằm chống lợi ích nhóm trong xây dựng cơ chế, chính sách; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường tự kiểm tra, giám sát; khuyến khích tố giác hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... Nhiều điều, khoản được điều chỉnh phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng và pháp luật. Thí dụ, tại Điều 21 về “Vi phạm quy định về kinh tế, tài chính, ngân hàng”, Quy định số 69 bổ sung nội dung vi phạm tại Khoản 1: “Chỉ đạo thực hiện sản xuất, kinh doanh bạc, đá quý, tiền, ngoại tệ trái quy định”; tại khoản 2: “Cho chủ trương hoặc chỉ đạo góp vốn trái quy định; chỉ đạo thực hiện thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không đúng quy định làm thiệt hại tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước” và “Buông lỏng lãnh đạo để xảy ra lập tài khoản kế toán trái quy định”.
Việc bổ sung này nhằm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Tài chính-ngân hàng, Luật Kiểm toán nhà nước. Hoặc tại Điều 24 về “Vi phạm quy định về an sinh xã hội và chính sách đối với người có công”, bổ sung quy định tại Khoản 1: “Thờ ơ vô cảm, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dẫn đến cấp dưới trực tiếp kê khai sai hoặc khai khống để hưởng lợi từ chính sách an sinh xã hội”; tại Khoản 2: “Hoạt động câu kết lợi ích nhóm nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp” và “Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc phòng, chống dịch bệnh”...
Về kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định đã cập nhật, bổ sung, cụ thể một số hành vi vi phạm đã được quy định nhưng chưa có quy định chế tài xử lý kỷ luật. Nhiều điểm mới được xây dựng thành điều, khoản rõ ràng làm căn cứ xử lý vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền; về quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường; vi phạm quy định khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ...
Nội dung được sắp xếp theo các nhóm hành vi vi phạm: về chính trị và nguyên tắc tổ chức của Đảng; về chính sách, pháp luật của Nhà nước; về đạo đức lối sống, tín ngưỡng tôn giáo. Trong nhóm vi phạm về chính trị và nguyên tắc tổ chức của Đảng, Điều 30 về “Vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền” là điều được xây dựng mới, nội dung cập nhật bổ sung các hành vi bị cấm trong Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Hay tại Điều 32 về “Vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành”, bổ sung nội dung: “Chỉ đạo, thực hiện không đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xảy ra sai phạm bị kỷ luật trong lĩnh vực được phân công quản lý hoặc phụ trách”; tại Khoản 2, bổ sung mối quan hệ bố, mẹ, con rể, con dâu, anh, chị, em ruột bên vợ (chồng) của đảng viên vào nhóm đối tượng được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và làm công việc trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do đảng viên đó trực tiếp phụ trách trái quy định của Đảng, Nhà nước.
Các hành vi vi phạm này được bổ sung theo nhận diện biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Quy định những điều đảng viên không được làm. Tại Điều 33 về “Vi phạm quy định bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước”, tăng chế tài kỷ luật từ khiển trách lên cảnh cáo đối với hành vi “Mang hiện vật, tài liệu thuộc bí mật của Đảng, Nhà nước ra nước ngoài trái quy định”; bổ sung hành vi “Làm lộ, tiêu hủy, chiếm đoạt, mua bán bí mật của Đảng, Nhà nước”...
Với 4 chương, 58 điều, Quy định số 69 gồm cả kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; được sắp xếp, bố trí, kết cấu khoa học, dễ tra cứu, dễ thực hiện, có nhiều điểm mới. Quy định có hiệu lực ngay sau khi ban hành, thể hiện quyết tâm nhất quán của Đảng trong giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực xảy ra trong một bộ phận tổ chức đảng, đảng viên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!