Giáng sinh năm 2019, Luật sư Hoàng Duy Hùng có mặt tại Thủ đô Hà Nội. Từ khi rời Việt Nam, đây là lần thứ sáu ông trở về thăm quê hương.
44 năm xa xứ, từng là người “chống cộng” nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng khi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước sau mỗi lần về quê nhà, ông đã dần thay đổi, từ đó tự điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức và hành động của mình. Ðồng thời, từ một người chống đối, giờ đây ông là người nhiệt thành kêu gọi mọi người Việt ở hải ngoại chung tay thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc của Ðảng, của Nhà nước Việt Nam. Báo Nhân Dân lược trích những ý kiến chia sẻ của ông với báo chí trong nước nhân chuyến thăm quê nhà lần này.
(Kỳ 2)
Việc những người lớn lên và sống trong chế độ “Việt Nam cộng hòa” có ý kiến chính trị trái chiều với những người trong nước là tự nhiên và bình thường. Nhưng qua quá trình sàng lọc và tìm hiểu thì chúng ta cũng nên tôn trọng sự thật. Người phía bên “Việt Nam cộng hòa” cần có sự tìm hiểu, mở lòng để thấy được lòng yêu nước của những người cộng sản, chứ không chỉ như lâu nay nhìn những gì thuộc về cộng sản là xấu, là ác. Khi tìm hiểu tôi thấy trong lịch sử, những người cộng sản rất yêu nước, rất hào hùng và tôi thật sự cảm động, tôn trọng. Tôi từng đấu tranh chống lại chế độ trong nước lúc đó cũng xuất phát từ lòng yêu nước, nhưng vì nhìn dưới lăng kính khác. Qua quá trình tìm hiểu, lòng yêu nước của tôi được điều chỉnh theo những sự kiện mới, những tin tức, nhận thức chính xác hơn. Chính vì lý do đó, tôi ủng hộ chủ trương hòa hợp dân tộc của Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Mình đừng để gánh nặng của quá khứ trở thành gánh nặng của chính mình, và gánh nặng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Khi tôi còn là Ủy viên Hội đồng TP Houston, năm 2011, thành phố có mời Thủ tướng Lý Hiển Long của Xin-ga-po qua thuyết trình, ông Lý Hiển Long có nói đại ý: “Dân tộc nào bị phân hóa không cần biết vì lý do gì, về quá khứ, về kinh tế, về chính trị,... thì dân tộc đó là món mồi ngon để dân tộc khác xâu xé”. Sau bốn mươi mấy năm trời rồi, nếu vì hận thù, vì hiểu sai mà để nó trở thành vết thương rỉ máu, không lành lại cho đất nước Việt Nam, cho “mẹ Việt Nam”, thì chính vết thương đó là sự phân hóa, là cơ hội cho quốc gia khác xâu xé đất nước chúng ta. Nếu người Việt Nam không biết yêu thương người Việt Nam thì ai thương dân tộc Việt Nam? Vậy nên nói “hòa hợp dân tộc” có thể dễ nhưng mỗi người Việt hải ngoại cần phải thật sự mở lòng, trải qua quá trình thực hành, phải dám dấn thân. Tôi tin rằng chủ trương hòa hợp dân tộc của Ðảng, Nhà nước Việt Nam là con đường đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề tương lai của Việt Nam. Ðiều đó đòi hỏi mỗi chúng ta phải thật sự có Tâm, có Tầm, có Dũng để cố gắng thực hiện chính sách này.
Cách đây hơn 10 năm ông Nguyễn Cao Kỳ (nguyên Phó Tổng thống chế độ “Việt Nam cộng hòa”) từng nói đại ý: Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ không có người đứng đầu, không có một lãnh tụ mà chỉ là những nhóm tàn quân và người nào “nói to” người đó sẽ đứng lên làm thủ lĩnh. Tôi thấy đây là lời nhận xét chính xác trong bối cảnh lúc đó và cả trong lúc này. Ðiều này được chứng minh bởi nhiều chính khách Mỹ đã nói với tôi: Nếu chúng tôi muốn nói chuyện thì họ không biết nói chuyện với ai hết, vì ông nào cũng xưng vương xưng tướng, nào là tự phong làm “tổng thống”, nào là “thủ tướng” nhưng không có thực lực. Mà “thùng rỗng kêu to”, rồi đưa ra những chính sách kỳ quái. Ðó là điều đau buồn cho “mẹ Việt Nam”. Những người đó tầm nhận thức không có, thiếu thông tin và thiếu nhiều yếu tố khác nữa nên cứ ngỡ mình là “cái rốn của vũ trụ”. Họ đưa ra những chính sách sai lầm mà cứ tưởng là đúng, ai không làm theo chính sách đó thì họ kết án là “Việt gian”, “Việt cộng nằm vùng”! Cần hiểu rằng thành công của chủ trương hòa hợp dân tộc của Ðảng, Nhà nước Việt Nam là tất yếu, lịch sử cuối cùng sẽ vẫn đi đến sự thống nhất, quan trọng là nhanh hay chậm mà thôi. Nếu chúng ta không cùng chung tay, không có sự chung sức đối với Ðảng, Nhà nước Việt Nam, các cá nhân, tổ chức ở trong nước để hỗ trợ những người có cùng ánh nhìn như các bạn thì con đường này sẽ bị kéo dài. Chúng ta cần “đốt cháy giai đoạn”. Thế hệ trẻ trong nước cũng như ngoài nước cần có sự giao lưu để không còn bị vướng mắc bởi một số điều của quá khứ lịch sử tồn đọng.
Ðây là một bất công cho những người trẻ vô tội. Chúng tôi đang cố gắng làm viên gạch lót đường, phải phá vỡ định kiến những hiểu lầm, không chính xác của những người như vậy để thế hệ trẻ hai bên đến với nhau một cách dễ dàng thoải mái. Như thế hệ con cháu của tôi mà nghe người ta nói: “Ô, con cháu của ngụy” chắc chắn cũng sẽ rất đau lòng. Tôi từng vào các trường đại học, gặp các em sinh viên đến từ Việt Nam, lập tức tôi bị các bác, các chú bên đó bảo là tôi đi với Việt cộng. Tôi nói nếu không tới gặp họ, nghe họ nói thì đâu có phải là người Việt Nam. Hãy đến với nhau là người Việt Nam trước đã. Và khi nói chuyện, tôi thấy tất cả đều chung một mục tiêu là vì “mẹ Việt Nam” nhưng chỉ khác biệt là quá khứ liên quan đến năm 1975. Và tôi cần phải nói lại một lần nữa, dân tộc nào mà bị phân hóa vì bất cứ lý do nào thì dân tộc đó là miếng mồi ngon cho dân tộc khác xâu xé, và cũng là cơ hội cho sự hận thù lớn mạnh. Tôi mong rằng các bậc cha chú ở hải ngoại hãy hiểu tâm tư của chúng tôi, vì như thế đau lắm. Chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước từ cái Tâm nhưng cũng cần có cái Tầm. Và tôi cũng kêu gọi các bác bên hải ngoại đừng mang nặng cái quá khứ, cái mặc cảm lịch sử năm 1975 mà hãy mở rộng lòng cho con cháu được thoải mái, trở về cùng với “mẹ Việt Nam”. Hy vọng vài năm nữa chúng ta sẽ bước qua “vết sẹo” năm 1975, để cùng cất bước trở thành một trong những quốc gia mạnh trên thế giới.
Trong Nghị quyết 36, Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt. Tức là với cộng đồng người Việt ở hải ngoại là số cộng với trong nước chứ không có số trừ, do đó phải bằng mọi cách để giúp cộng đồng hải ngoại vươn mạnh lên. Nhưng cộng đồng ở hải ngoại lại coi đó là sự xâm nhập. Tôi cũng chủ trương “cộng” chứ không “trừ”. Không ai chủ trương “trừ” hết, trừ những ai không có thiện tâm với đất nước. Vậy làm sao để chủ trương này được thực hiện một cách có hiệu quả? Tôi thấy trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề ra nhiều chính sách rộng mở vòng tay, thậm chí có thể ví von, gần giống như là đã “xuống ngựa” để nâng đỡ người “ngã ngựa” (những người thuộc chế độ “Việt Nam cộng hòa” trước đây) lên. Và tôi cũng đang kêu gọi những người từng “ngã ngựa” hãy bình tĩnh nhìn nhận, chứ đừng bao giờ nghĩ rằng hành động giơ tay của những người trong nước để đứng dậy cùng nhau xây dựng đất nước là “tát” vào mặt mình. Khi nào chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ đốt cháy được giai đoạn để có sự hòa hợp dân tộc. Chúng ta hãy cùng nhau chủ trương chữ “xây”, hay cũng giống như chữ “cộng”, đừng bao giờ chủ trương chữ “phá”, chữ “trừ”.
Trước việc thời gian qua một số người hải ngoại xuống đường biểu tình chống Ðảng Cộng sản, chống Luật An ninh mạng, chống dự án Luật Ðặc khu và tự cho rằng đó là yêu nước thì tôi nhớ tới câu: “nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại”. Những người này cứ tưởng nhiệt tình của họ là yêu nước. Nhưng nhiệt tình đó giống như một bó lửa, nếu bó lửa đó sử dụng không đúng chỗ mà lại dùng để đốt nhà, đốt đường, đốt phố thì sẽ thành phá hoại. Vậy biểu tình để làm gì? Biểu tình từ ngày này sang tháng nọ, biểu tình không trúng, hiểu cũng không trúng thì để làm gì? Thí dụ Luật An ninh mạng, họ cứ nghĩ đó là cấm cản tự do ngôn luận của họ, vậy là họ hiểu lầm. Nước Mỹ cũng thông qua nhiều đạo luật liên quan an ninh mạng nhằm theo dõi, ngăn cấm việc phá hoại an ninh của quốc gia. Quyền tự do ngôn luận phải trong trật tự, thí dụ mình lái xe thì phải biết dừng khi đèn đỏ, chứ không phải tự do lái xe là mình cứ lái ẩu, tông vào xe người ta. Khi đó, mình đã xâm phạm quyền của người ta. Vậy nên tự do ngôn luận phải đặt dưới an ninh quốc gia và dưới trật tự xã hội. Ðó mới chính là đặt tự do ngôn luận có ngăn nắp, quy củ, và giúp quyền tự do đó phát huy tốt đẹp hơn.
Cách đây khoảng 10 năm, khi về Hà Nội, ông Nguyễn Cao Kỳ cũng nói rằng việc ủng hộ chủ trương hòa hợp dân tộc là xu thế tất yếu. Tuy nhiên lúc đó xu thế “chống cộng” còn khá quyết liệt nên ông bị phản ứng dữ dội. Vì lúc đó ông đã lớn tuổi nên phản ứng của ông có phần chậm. Khi ông mất, người ta cho rằng đó là sự thất bại của ông. Nhưng thời điểm của tôi thì có lẽ tôi trẻ hơn, tôi dám nói mạnh hơn, phản ứng quyết liệt hơn. Ai phản ứng với tôi thì tôi phản ứng dữ dội hơn để bảo vệ quan điểm của mình. Vậy nên hai chục năm qua tôi bị người ta tấn công. Tôi công khai việc này, nhất là từ khi tôi là Ủy viên Hội đồng TP Houston, có người còn dọa đặt bom ở nhà tôi, song tôi không ngại. Rồi phản ứng, phản đối ngày càng xẹp xuống. Bằng chứng nếu trước đây ai xuất hiện trên Báo Nhân Dân, VTV… thì chỉ cần thấy mặt trên đó là người ta (người Việt ở hải ngoại) đánh phá và chửi bới không còn cái gì. Nhưng trong chuyến về Hà Nội lần này, không những tôi có bài đăng trên Báo Nhân Dân mà tôi còn đến thăm Tòa soạn báo, và phát biểu những suy nghĩ từ lương tâm của tôi, thì xem thử phản ứng của người Việt bên đó, báo chí bên đó thấy họ im hết. Im không có nghĩa là họ không xem, hay im không có nghĩa là họ đồng ý, nhưng cho thấy sự chống đối của họ không còn như trước nữa, họ cân nhắc xem những gì Hoàng Duy Hùng nói có thật hay không. Các video clip ghi lại hoạt động của tôi trong chuyến về Việt Nam lần này được đăng trên các kênh như VHVN TV, Phố Bolsa TV,… có tới hơn 90% comment (bình luận) ở dưới là ủng hộ. Ðiều đó cho thấy lúc này “đa số thầm lặng” không sợ bị phản đối nữa, họ nói thật lòng họ, và sự thật lòng cho thấy họ muốn hòa hợp dân tộc, nhờ đó sẽ giúp hàn gắn vết thương lòng năm 1975 và đây cũng là chính sách mở ra vận hội mới cho con em của chúng ta.
★ Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 3-1-2020.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!