Hạt nhân lãnh đạo trên con đường phát triển

Những ngày đầu năm 2019, chúng tôi trở lại xã Mường Chùm (Mường La), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui nhân đôi của người dân nơi đây - niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống đã, đang đổi thay từng ngày và niềm vui đón mùa xuân mới với niềm tin về một tương lai tươi sáng. Trong những câu chuyện của họ, luôn nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đảng trong bước đường phát triển, mà trực tiếp là Đảng bộ xã Mường Chùm.

 

Nhân dân bản Kham, xã Mường Chùm (Mường La) trồng hoa màu vụ 3 trên nương.

Chúng tôi trò chuyện với đồng chí Vì Văn Thành, Bí thư Đảng bộ xã về việc lãnh đạo nhân dân trong xã xây dựng cuộc sống mới hôm nay. Trong câu chuyện, anh nói rằng, người dân Mường Chùm luôn ghi nhớ truyền thống cách mạng của quê hương, mà nét nổi bật là năm 1949, quân Pháp bao vây huyện ở bản Giàn (Mường Bằng), buộc cơ quan huyện phải tạm chuyển vào bản Búc (Chiềng Sung), sau đó chuyển về lũng Đán Đanh (Mường Chùm) để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cũng trong năm đó, đồng chí Trần Quyết thay mặt Tỉnh ủy đến lũng Đán Đanh tuyên bố thành lập Huyện ủy Mường La, do đồng chí Hoàng Cầm La làm Bí thư, đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Mường La. Dấu tích của gốc cây si năm xưa - nơi cắm lá cờ Đảng trong ngày tuyên bố thành lập Huyện ủy Mường La vẫn còn đó. Dù năm tháng trôi qua, nhưng những dấu tích của thời kỳ hào hùng đó luôn in đậm trong tâm trí các thế hệ người dân trong xã, minh chứng thêm rằng nhân dân Mường Chùm một lòng theo cách mạng, sắt son theo Đảng, theo Bác để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Về các bản trong xã, chúng tôi tiếp tục được nghe những câu chuyện của người dân nói về vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và tính tiên phong gương mẫu của đảng viên trên các hoạt động tại địa phương. Chia sẻ về việc này, anh Quàng Văn Ích, Bí thư Chi bộ bản Nà Tòng (xã Mường Chùm) đã kể về quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bản phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế, hiện Nà Tòng chỉ còn 2/103 hộ nghèo. Trong  quá trình đó, với vai trò là đảng viên, anh đã đi trước, làm trước để bà con học và làm theo. Anh Ích đã dẫn chúng tôi lên thăm vườn xoài rộng 3 ha đang được gia đình cải tạo để ghép xoài lai; 6.000 m2 trồng nhãn ghép. Trên con đường bê tông rộng rãi đi qua các thửa ruộng lên khu đồi vườn cây ăn quả của gia đình, bất chợt tôi so sánh: Khác xưa nhiều quá, bởi trước đây chỉ là những con đường đất gồ ghề, lởm chởm đá hộc hoặc bùn lầy, nay con đường bê tông không chỉ thuận lợi cho việc đi lại mà còn nâng cao giá trị nông sản của người nông dân. Khoát tay chỉ những hàng xoài thẳng hàng, gốc xoài có đường kính khoảng 20 cm, anh Ích không giấu niềm tự hào: Trước đây là vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, năm 2017, tôi tiên phong cải tạo vườn tạp với mong muốn làm mô hình điểm để bà con trong bản làm theo, tuy chưa được thu hoạch, nhưng tôi tin đây là hướng đi đúng. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng 1,5 ha ngô lai, sản lượng trên 10 tấn ngô hạt/năm; nuôi 15-25 con bò vỗ béo làm hàng hóa... Thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. 

Mỗi câu chuyện của người dân trong xã về vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, chúng tôi thêm hiểu những năm qua, Đảng bộ xã Mường Chùm đã luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Thông qua việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, triển khai kịp thời và đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của đảng các cấp cho đảng viên, đã tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao trong việc cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống. Đảng ủy xã còn phân công cấp ủy viên, đảng viên phụ trách từng công việc cụ thể, phát huy năng lực, sở trường của từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy đối với các chi bộ và đảng viên, qua đó chủ động ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... Chính vì vậy, 5 năm qua, Đảng bộ xã giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh; hằng năm trên 400 đảng viên ở 33 chi bộ trực thuộc được xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên. 

Từ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ xã trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân trong xã được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần; bộ mặt nông thôn mang diện mạo mới. Hiện nay, Mường Chùm có 88,2% số hộ dân có mức sống từ trung bình trở lên, với thu nhập bình quân đạt 29,21 triệu đồng/người/năm; toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Trụ sở làm việc của UBND xã, các trường học được xây dựng khang trang; 86,9% đường trục bản, tiểu khu, đường liên bản, tiểu khu được đổ bê tông; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia... Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2018, Mường Chùm đạt chuẩn nông thôn mới.

Những câu chuyện về thời kỳ hào hùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân Mường Chùm, cũng như sự năng động, sáng tạo của người dân trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới hôm nay lắng đọng mãi trong tôi. Chia tay Mường Chùm, chúng tôi tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ xã và niềm tin son sắt của người dân đi theo con đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Mường Chùm - vùng quê giàu truyền thống cách mạng sẽ ngày càng khởi sắc.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và nội địa

    Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và nội địa

    Xã hội -
    Công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và địa bàn nội địa ở tỉnh ta luôn được Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, các ngành thành viên, các địa phương chú trọng triển khai tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân.
  • 'Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Xây dựng Đảng -
    Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã chỉ đạo cụ thể hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, lực lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.
  • 'Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Xã hội -
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ cơ sở được chú trọng; việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm... Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc.
  • 'Điểm tựa nơi bản mường

    Điểm tựa nơi bản mường

    Xã hội -
    Gương mẫu trong cộng đồng dân cư, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh trật tự... là những việc làm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La. Là “điểm tựa” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và mặt trận tổ quốc các cấp.
  • 'Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện biên giới

    Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện biên giới

    Xã hội -
    Là huyện biên giới của tỉnh, huyện Sốp Cộp có 8 xã, 101 bản và 2 điểm dân cư, dân số gần 55.500 người, có 6 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 96,8%. Những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.