Giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 17/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đảng được nâng lên.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên, phát hiện, làm rõ thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Sơn La

Nâng cao nhận thức

Cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp, các tổ chức đảng đã chú trọng phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 17/4/2012 của Ban Chấp Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt, triển khai các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh uỷ

Trên cơ sở các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp, các tổ chức đảng trong đảng bộ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, trọng tâm là tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra các cấp về công tác kiểm tra, giám sát. Chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm tra, giám sát đối với các nội dung nổi cộm, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, dư luận xã hội quan tâm và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; kiện toàn uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách thủ tục hành chính, lề lối làm việc; công khai kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; chú trọng, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, các tổ chức đảng đã thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; bảo đảm thực hiện dân chủ trong các tổ chức đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Đề tài "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy Sơn La đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị hiện nay"; Đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở", trong đó có nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ kiểm tra cấp cơ sở.

Ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII, XIV, XV; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025; chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; Quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ với các đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Tỉnh uỷ; Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính Tỉnh uỷ trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Kiểm tra tỉnh uỷ với Báo Sơn La, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; Quy định về trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ tham gia giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quy định về tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Tỉnh ủy. Chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, 17/17 tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế phối hợp.

Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp, các tổ chức đảng chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khoá, hàng năm, trọng tâm kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, dư luận xã hội quan tâm, như: Quản lý đất đai, quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, chính sách xã hội, thực hiện dân chủ trong sinh hoạt đảng, thực hiện cải cách hành chính, công tác cán bộ. Tập trung kiểm tra, giám sát những địa bàn phức tạp, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, xử lý kỷ luật nghiêm không chờ vụ án được xét xử. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ các cơ quan Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của Đảng; việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Giữ vững kỷ cương

Trong 10 năm qua, cấp ủy các cấp kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng đối với 3.225 tổ chức đảng và 5.851 đảng viên, trong đó, 301 tổ chức đảng và 393 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, 26 tổ chức đảng và 66 đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật; đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 63 đảng viên. Nội dung vi phạm chủ yếu: Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ, công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên; việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện những điều đảng viên không được làm... Giám sát chuyên đề đối với 3.348 tổ chức đảng và 5.553 đảng. Qua giám sát, kết luận 3.287 tổ chức đảng và 5.407 đảng viên thực hiện tốt nội dung được giám sát, phát hiện dấu hiệu vi phạm đối với 61 tổ chức đảng và 146 đảng viên, chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 08 tổ chức đảng và 23 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 310 tổ chức đảng và 1.819 đảng viên. Qua kiểm tra, kết luận: 242 tổ chức đảng và 1.688 đảng viên vi phạm, trong đó: 58 tổ chức đảng và 1.078 đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật, đã thi hành kỷ luật 58 tổ chức đảng và 1.078 đảng viên. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.497 tổ chức đảng. Kiểm tra việc thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 526 tổ chức đảng. Qua kiểm tra, kết luận: 473 tổ chức đảng cơ bản thực hiện tốt công tác thi hành kỷ luật Đảng; 53 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt công tác thi hành kỷ luật Đảng. Kiểm tra về thu, chi ngân sách đối với 281 tổ chức đảng. Kiểm tra việc thu nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với 1.743 tổ chức đảng. Giám sát đối với 2.008 tổ chức đảng và 2.271 đảng viên; phát hiện 41 tổ chức đảng và 44 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, chuyển kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 12 tổ chức đảng và 26 đảng viên. Giải quyết tố cáo đối với 32 tổ chức đảng và 301 đảng viên. Thi hành kỷ luật đảng đối với 1.007 đảng viên với các hình thức.

Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời chỉ ra ưu điểm của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy; phát hiện, làm rõ thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm để chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm khi có vi phạm; phục vụ việc tổng kết thực tiễn, góp ý, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, cục bộ, bản vị, chống quan liêu, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tiêu cực.

Hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát; chất lượng một số cuộc kiểm tra, giám sát còn hạn chế, nhất là cấp cơ sở. Việc hệ thống hóa các sai phạm theo chuyên đề, lĩnh vực sau kiểm tra, giám sát để phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên còn hạn chế.

Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cơ sở có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả, tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa sai phạm trong tổ chức đảng và đảng viên chưa cao. Việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, đôn đốc thực hiện sau các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có nội dung còn kéo dài, chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Công tác phối hợp giữa thanh tra và ủy ban kiểm tra đã được tăng cường, tuy nhiên, công tác phối hợp xem xét, xử lý trách nhiệm sau thanh tra, kiểm tra còn thiếu chặt chẽ và thực hiện triệt để.

Nguyên nhân là năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, do kiêm nhiệm công tác kiểm tra, giám sát nên chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát.

Một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Cán bộ làm công tác kiểm tra của đảng uỷ cơ sở kiêm nhiệm, điều kiện, phương tiện làm việc còn khó khăn, một số chế độ chính sách chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Bài học từ thực tiễn

Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện là cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, kịp thời  hệ thống văn bản liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra, cơ quan thanh tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra, thanh tra các cấp.

 Cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, ủy ban kiểm tra các cấp quan tâm, kịp thời xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, kế hoạch thanh tra hằng năm đảm bảo thời gian theo quy định. Định kỳ hằng năm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tư vấn xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát nhằm tránh chồng chéo về nội dung, đối tượng. Chú trọng kiểm tra, giám sát những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, dư luận xã hội quan tâm; gắn kiểm tra tổ chức đảng với đảng viên; mở rộng giám sát đối với một số tổ chức đảng thuộc cơ quan, đơn vị ngành dọc...

 Thực hiện kiểm tra cách cấp, mở rộng giám sát và tăng cường giám sát chuyên đề. Phát huy vai trò chủ động của ủy ban kiểm tra các cấp (cán bộ làm công tác kiểm tra phải đúng vai, thuộc bài); xác định rõ những nhiệm vụ phải tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và những nhiệm vụ trực tiếp thực hiện.

 Kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát phải khách quan, chính xác, vi phạm đến đâu phải được xử lý nghiêm minh đến đó theo quy định của Đảng, Nhà nước; kiên quyết thu hồi triệt để sai phạm về kinh tế; kịp thời chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng để xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, các cơ quan đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Nhiệm vụ, giải pháp

Nhiệm vụ trong thời gian tới là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng. Chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động, thường xuyên đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo giám sát mở rộng và kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2022; xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 và những năm tiếp theo đảm bảo toàn diện, tránh chồng chéo, chú trọng kiểm tra, giám sát địa bàn phức tạp, lĩnh vực dễ xảy ra khuyết điểm, vi phạm, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường giám sát thường xuyên.

Lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tập trung triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp uỷ giao; trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với tổ chức đảng, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; những vụ việc bức xúc trong xã hội. Kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa, giáo dục, răn đe; công khai kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng, xử lý vi phạm trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII và Quy định số 349-QĐ/TU ngày 17/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 24/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; Quy định số 889-QĐ/TU ngày 28/5/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; định kỳ thực hiện gợi ý kiểm điểm, giải trình trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý (thực hiện thường xuyên, định kỳ và đột xuất).

Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 429-QĐ/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh với nhân dân gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân.

Quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đủ về số lượng theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Minh Khánh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới