Đổi thay trên quê hương cách mạng Bản Lầm

Những ngày thu tháng 8, chúng tôi về xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, nơi đây, đội du kích Bản Lầm - Đội vũ trang đầu tiên của huyện Thuận Châu đã có nhiều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc, giải phóng quê hương. 77 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Lầm đã và đang đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương phát triển.

Các tuyến đường bản được bê tông hóa thuận lợi giao thương đi lại cho nhân dân.

Lật giở từng trang cuốn lịch sử Đảng bộ xã, Bí thư Đảng ủy xã Cà Văn Minh tự hào nói: Đầu năm 1943, Bản Lầm có 3 thanh niên là Lường Văn Bốn, Cà Văn Sáng, Cà Văn Sam ra học chữ tại Trường tiểu học Chiềng Lề, ở trọ tại nhà ông Chu Văn Thịnh và được giác ngộ cách mạng. Tháng 10/1944, cả ba trở về xã, liên lạc với Hội Thanh niên cứu quốc và thành lập Đội du kích Bản Lầm với 25 đội viên, do ông Lường Văn Bốn làm Đội trưởng. Các đội viên thanh niên cứu quốc đã tuyên truyền cho nhân dân về cách mạng, tập hợp người dân thành khối thống nhất đấu tranh với ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Được nhân dân ủng hộ, từ 25 đội viên ban đầu, Đội đã tăng lên 58 đội viên và mở rộng địa bàn hoạt động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên chống đi phu, đi lính, chống lại ách áp bức phong kiến, đoàn kết toàn dân chống lại kẻ thù.

Bước sang năm 1945, phong trào cách mạng ở Bản Lầm phát triển mạnh mẽ. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh bộ Việt Minh, ngày 22/8/1945, lực lượng khởi nghĩa ở Mường La đã kết hợp với đội du kích Bản Lầm và được quần chúng nhân dân ủng hộ đã tiến về giành chính quyền tại châu lỵ vào ngày 23/8/1945. Ngay sau đó, Bản Lầm được lựa chọn là trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính của huyện Thuận Châu. Sau khởi nghĩa, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, phong trào “Hũ gạo kháng chiến” được nhân dân Bản Lầm tích cực hưởng ứng, mỗi người tình nguyện san sẻ phần lương thực ít ỏi của mình đóng góp nuôi quân, góp phần giúp chính quyền cách mạng địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn năm 1945. Ghi nhận công lao đóng góp của cán bộ, nhân dân xã Bản Lầm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 2003, Chủ tịch nước đã Quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho xã Bản Lầm.

Tiếp nối truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong xã luôn tự hào về truyền thống cách mạng của cha anh, đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với xây dựng nông thôn mới. Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình phát triển kinh tế của xã, Bí thư Đảng ủy xã Cà Văn Minh phấn khởi: Bản Lầm là xã vùng III, có 6 bản, 850 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Thái và Mông cùng sinh sống. Cấp ủy, chính quyền xã xác định rõ mục tiêu phải phát triển kinh tế - xã hội, ổn định thu nhập cho bà con, xóa đói giảm nghèo, xã Bản Lầm đã chỉ đạo các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế vào sản xuất. Triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nhận ủy thác với các ngân hàng; hướng dẫn các hộ vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư con giống, vật nuôi và máy móc phục vụ sản xuất. Hiện, tổng dư nợ của xã gần 25 tỷ đồng, với hơn 600 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất.

Đến nay, Bản Lầm có 1.077 ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 900 ha, năng suất 8 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 7.000 tấn quả tươi/năm; diện tích cây ăn quả 127 ha, trong đó 90 ha cây mận hậu xen diện tích cây cà phê, có 50 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 500 tấn quả/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, với trên 1.000 con trâu, bò; 600 con dê; trên 200 con lợn và 10.000 gia cầm các loại; trồng 24 ha cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc... Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, mô hình trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao cho bà con.

Những kết quả tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo, nâng cao đời sống, thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm. Hiện, tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đều đi được xe máy; 100% bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các bản đều có hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường; duy trì, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, bảo đảm 100% trẻ trong đội tuổi được đến trường; thực hiện hiệu quả chương trình y tế quốc gia, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và phát triển; an ninh trật tự được giữ vững; hiện Bản Lầm đạt 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Lầm luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo nhanh bền vững, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới