Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị và đạt được những kết quả quan trọng. Cách thức chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục lý luận chính trị được đổi mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Lớp trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh.
Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị, Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tại Trường Chính trị tỉnh, từ năm 2020 đến nay, công tác giáo dục lý luận chính trị dưới hình thức phối hợp đào tạo qua hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được triển khai có hiệu quả, không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Trong 3 năm trở lại đây, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung (tại tỉnh) là 8 lớp, với 625 lượt học viên. Đối với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo kế hoạch, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên kết, rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn, số lượng học viên để kịp thời đăng ký chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các năm, do đó kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được phê duyệt luôn sát với nhu cầu thực tế, chỉ tiêu, tiến độ được bảo đảm, cụ thể: Năm 2020 được giao 43 lớp, 2.707 học viên; năm 2021 được giao 62 lớp, 4.308 học viên; năm 2022 được giao 48 lớp, 2.976 học viên. Đối với hệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính, Trường Chính trị tỉnh tham mưu với tỉnh thực hiện 2 hình thức đào tạo là hệ tập trung và không tập trung tại trường và tại các đơn vị liên kết. Cụ thể: Năm 2021 có 2 lớp hệ tập trung, 25 lớp hệ không tập trung; năm 2022 có 5 lớp hệ tập trung, 14 lớp hệ không tập trung. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện bảo đảm tỷ lệ lớp tập trung và không tập trung theo quy định.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác kiểm tra đánh giá chuyên môn của giảng viên, công tác đánh giá kết quả học tập của học viên cũng được quan tâm chỉ đạo nhằm đổi mới công tác đánh giá chất lượng học tập của học viên qua các kỳ thi, yêu cầu mỗi học viên tập trung suy luận nhiều hơn là học thuộc lý thuyết thuần túy; các hình thức tổ chức thi vấn đáp đối với tất cả các lớp trong trường được chú trọng, hướng tới sẽ tiến hành thi vấn đáp với tất cả các lớp liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh theo phương thức học phần; đa số các học phần tổ chức cho các lớp thi theo đề mở để vận dụng vào thực tiễn trong cơ quan đơn vị, góp phần nâng cao phương pháp tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn công việc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức các trung tâm chính trị, Trường Chính trị được tỉnh quan tâm. Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên được tạo điều kiện cử đi đào tạo nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, hệ thống các trung tâm chính trị, Trường Chính trị từng bước được nâng cấp, đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục lý luận chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cơ sở ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền chưa thực sự gắn liền với nâng cao chất lượng, còn mang tính hình thức. Nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của người học. Một số cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng ngại học, lười học tập lý luận chính trị...
Tiến sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cho rằng: Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với công tác giáo dục lý luận chính trị. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian giáo dục lý luận chính trị theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, đảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy, báo cáo, tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, về phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở đào tạo trong nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và tổ chức đào tạo; thống nhất quy định tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý...
Công tác giáo dục lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao trình độ lý luận, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, việc nghiên cứu, xác định các giải pháp phù hợp, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp thiết hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu quan trọng được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác xây dựng Đảng đã đề ra: “Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đạt chuẩn trở lên; 90% trở lên số chi bộ bản, tiểu khu có chi ủy; 100% bí thư chi bộ và trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ”...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!