Đổi mới công tác cán bộ khóa XII

Từ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật

5 năm trước, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, đó là: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ”.

 

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương

tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV.

Ảnh: PV

 

Cụ thể hóa Nghị quyết, trong nhiệm kỳ này, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ với hàng loạt giải pháp đồng bộ, cụ thể, toàn diện. Công tác cán bộ được quan tâm xứng tầm, thực sự là “then chốt của then chốt” và đã đạt được những thành công vượt bậc.

 

Phải thẳng thắn nhìn nhận, trước nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác cán bộ của Đảng đã bộc lộ không ít những tồn tại, hạn chế; việc thực hiện ở nhiều nơi tùy tiện, cục bộ, vì vậy tạo môi trường cho những phần tử xấu, phần tử cơ hội có điều kiện tồn tại, lợi dụng. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, “cả họ làm quan” diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Không ít những trường hợp cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc” hoặc “nâng đỡ không trong sáng” lên các vị trí lãnh đạo, gây bức xúc trong nhân dân. Và để đối phó với dư luận, người có trách nhiệm ở nhiều địa phương, nhiều cấp giải thích đó là “nhân tài”, là thực hiện “đúng quy trình”...

 

Nguyên nhân của tình trạng biết vi phạm mà vẫn làm sai, làm ngơ cho sai phạm, một phần do quy định chưa chặt chẽ, phân cấp không rõ ràng, thiếu kiểm tra giám sát, đặc biệt, đó là vì lợi ích đã làm nảy sinh tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “bổ nhiệm tranh thủ”… ở không ít cán bộ. Trong thời gian dài, những sai phạm chậm được chỉ rõ, lên án, đặc biệt là việc xử lý vi phạm về công tác cán bộ thường né tránh “vùng cấm”, không nghiêm minh, thiếu sức răn đe. Hậu quả của những yếu kém này gây ra tác hại ghê gớm, làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

 

Thêm một lần nữa, khẩu hiệu “nhìn thẳng sự thật”, “đánh giá đúng sự thật” được Đảng nhắc lại và quyết liệt tìm cách khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ.

 

Đến đột phá vào hoàn thiện cơ chế về công tác cán bộ

 

Bước sang khóa XII, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tinh thần quyết liệt ngăn chặn những sai phạm, khắc phục những khuyết điểm về công tác cán bộ. Từ đó, trong suốt nhiệm kỳ, người đứng đầu Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ. Tổng Bí thư luôn nhắc đi nhắc lại việc phải siết chặt kỷ luật Đảng; tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật để chống chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chống lợi dụng thân quen, cánh hẩu, làm bừa, lợi ích nhóm; kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”...

 

Lựa chọn đầu tiên, đó là đột phá vào khâu hoàn thiện thể chế. Chưa có nhiệm kỳ nào mà Trung ương tiến hành sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh và ban hành mới nhiều quy định, quy trình như nhiệm kỳ này. Điển hình là, để chống chạy chức, chạy tuổi, tháng 8/2016 Ban Bí thư Trung ương ban hành Thông báo số 13-TB/TW về việc xác định tuổi của đảng viên; để kiểm soát tài sản của lãnh đạo cấp cao; tháng 5/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85-QĐ/TW về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hay để khắc phục tình trạng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; tháng 10/2017 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, theo đó không điều động, luân chuyển những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Tháng 11/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định cụ thể về thời hiệu xử lý đảng viên vi phạm, khắc phục được tư duy nhiệm kỳ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, tháng 12/2017 Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 43-TB/TW về “tự kiểm tra, rà soát thực hiện công tác cán bộ”, đã phát hiện hơn 2.800 trường hợp bổ nhiệm sai quy trình, thủ tục; hơn 55.000 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Ngay sau đó Ban Bí thư ban hành Kết luận 71-KL/TW ngày 24/3/2020 về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức...

 

Và để chuẩn bị một bước cho công tác nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên, việc kiểm soát quyền lực được pháp quy hóa, cũng là lần đầu tiên Đảng chỉ rõ những hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền, đồng thời đề ra chế tài xử lý, biện pháp khắc phục…

 

Cũng trong giai đoạn này, Trung ương ban hành 3 nghị quyết hết sức quan trọng liên quan đến công tác cán bộ, đó là Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 7, trở thành bộ công cụ chính trị, pháp lý, làm cơ sở cho các cơ quan có liên quan ban hành những quy định, quy chế, quyết định, chỉ thị. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra 27 nhận diện biểu hiện của suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, từ đó đề ra được biện pháp chỉnh huấn, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Đến Nghị quyết TW6 với yêu cầu tinh gọn tổ chức, bộ máy, đã góp phần sàng lọc, tinh gọn đội ngũ cán bộ.

 

Tất cả thể hiện quyết tâm cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm cho công tác cán bộ chặt chẽ hơn, thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn và thực hiện được mục tiêu cuối cùng là đánh giá đúng cán bộ, chọn cho đúng người tài thực sự, có tâm, có đức, có uy tín và bố trí cho đúng việc.

 

(Còn nữa)

Trường Chinh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới