Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600 phó chủ tịch xã) của Bộ Nội vụ được triển khai từ giữa năm 2012 với mục tiêu nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở các huyện nghèo triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ cho cơ sở và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã nghèo.
Một trong những mô hình nuôi cá lồng thuộc Dự án 600 phó chủ tịch UBND xã
triển khai có hiệu quả tại xã Nậm Ét (Quỳnh Nhai).
Là một trong 49 đội viên tham gia Dự án, chị Lê Thị Hương, huyện Vụ Bản (Nam Định) tốt nghiệp Đại học Nha Trang, chuyên ngành bệnh học thủy sản, được phân công giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Ét, một trong ba xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai. Trong thời gian thực hiện Dự án, chị thường xuyên đi các bản tìm hiểu điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán canh tác từng dân tộc và chủ động học tiếng địa phương. Năm 2013, chị tuyên truyền, vận động người dân trong xã tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ chuyển đổi sang nghề nuôi cá lồng (cá được nuôi trong lồng làm bằng khung sắt thay thế tre nứa) và các con giống có giá trị kinh tế cao (cá lăng, nheo, trắm...). Đồng thời, tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hợp tác xã trên địa bàn. Với cách làm này, diện tích nuôi thủy sản tại xã Nậm Ét tăng lên đáng kể, với trên 300 lồng; đã có một số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng... Từ năng lực chuyên môn và kết quả thực tế công tác, sau khi kết thúc Dự án, chị Hương được bố trí làm công chức Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai, phụ trách lĩnh vực thủy sản.
Còn đội viên Quàng Văn Thăng, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành Khuyến nông, sinh ra và lớn lên ở Chiềng Cang (Sông Mã) nhận nhiệm vụ tại xã Phiêng Côn (Bắc Yên). Tại đây, bằng kiến thức đã được học, anh đã tuyên truyền, vận động người dân không lạm dụng thuốc trừ cỏ; tham mưu cho lãnh đạo xã vận động bà con phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc, giảm diện tích đất trồng ngô, tăng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò, tuyên truyền người dân nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng và dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi trong mùa đông. Hình thức chăn nuôi này được nhiều hộ dân trên địa bàn áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân giảm nghèo bền vững; hiện đàn đại gia súc phát triển nhanh với số lượng lên hơn 2.000 con. Với những đóng góp cho xã, đội viên Quàng Văn Thăng đã được lãnh đạo huyện đánh giá cao, tín nhiệm chuyển công tác về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Yên.
Được biết, đây chỉ là 2 trong tổng số 49 đội viên tham gia Dự án tại tỉnh Sơn La. Sau 5 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, các đội viên Dự án khi được bố trí về xã công tác đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là gương mẫu, chấp hành sự phân công của tổ chức, phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực, trình độ chuyên môn, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong thời gian thực hiện Dự án, các đội viên đã tham mưu, giúp UBND xã xây dựng, ban hành quy chế làm việc, chi tiêu nội bộ; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; điều hành các hoạt động của UBND xã theo đúng quy chế làm việc. Chủ động nghiên cứu chính sách, các văn bản chỉ đạo của cấp trên; tích cực đi cơ sở, nắm bắt điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán tại địa phương, kết hợp kiến thức được đào tạo để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đề án, mô hình kinh tế được các đội viên triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân và chính quyền đánh giá cao. Kết quả, sau khi kết thúc Dự án 100% đội viên đã được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp: 6 đội viên trở thành cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; 11 đội viên là cán bộ xã; 32 đội viên là công chức xã tại các xã trong tỉnh.
Thực tế cho thấy, sau 5 năm, Dự án 600 phó chủ tịch UBND xã đã thành công tại tỉnh Sơn La. Việc triển khai thực hiện Dự án là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở các xã thuộc huyện nghèo trên địa bàn; tăng cường cho chính quyền các xã lực lượng trí thức trẻ có trình độ, góp phần quan trọng cùng UBND các xã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!