Đảng viên đi trước, bà con trong bản làm theo

Phát huy vai trò của đảng viên, ông Tráng A Cao, Bí thư chi bộ bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, hết lòng vì công việc chung của cộng đồng, xây dựng bản ngày càng no ấm, được dân mến, dân tin.

Tiên phong xóa đói nghèo

 

Đến bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, tìm nhà ông Tráng A Cao, theo chỉ dẫn của bà con: “Các anh cứ đi theo dọc quốc lộ 6, thấy ngôi nhà hai tầng, bên cạnh có nhà xưởng to, treo biển HTX nông nghiệp A Cao”. Quả thật, không mất nhiều thời gian, chúng tôi đã đến đúng nhà ông Cao. Dáng người cao lớn trong trang phục dân tộc Mông truyền thống, đang cân hồng giòn bán cho khách, ông Tráng A Cao, thật thà: Còn ít hồng giòn cuối vụ bán nốt cho khách. Gia đình tôi có gần 100 cây hồng, năm nay thu 2 tấn quả, giá bán ổn định từ 35-40 nghìn đồng/kg, thu hơn 70 triệu đồng.

 

Ông Tráng A Cao kiểm tra vườn cây ăn quả.

 

Qua cuộc trao đổi ngắn, ông Cao đồng ý và mời chúng tôi đi thăm mô hình cây cam, quýt trĩu quả của gia đình. Vừa đi ông vừa kể về cuộc sống gia đình trước đây cũng giống như các hộ dân trong bản Hua Tạt gặp nhiều khó khăn, bởi khí hậu rất khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mây mù bao phủ, người dân quen với canh tác truyền thống, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng lúa nương, trồng ngô năm được, năm mất; tình trạng đói giáp hạt vẫn còn diễn ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

 

Kể đến đây giọng ông Cao trầm xuống: Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo, năm 2016, tôi quyết định dùng số vốn 50 triệu đồng của gia đình và vay mượn thêm 200 triệu đồng để cải tạo đất, xây dựng hệ thống tưới, chuyển đổi từ cây ngô sang trồng 1.000 cây chanh tứ quý. Tuy nhiên, giá bán thấp, có thời điểm không có ai mua nên không có thu nhập.

 

Khoát tay chỉ vườn cây ăn quả, giọng ông phấn khởi hẳn lên: Lúc đó, gia đình tôi quyết định phá bỏ diện tích trồng chanh để chuyển sang trồng cam Vinh, cam đường canh, quýt ngọt và hồng giòn. Quả là đất không phụ công người, sau 4 năm, cây cam, quýt cho thu hoạch, mừng lắm, đây là một hướng đi để gia đình tôi và bà con trong bản thoát nghèo.

 

Ông Tráng A Cao chăm sóc vườn cây ăn quả.

 

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” khi cây ăn quả chưa được thu hoạch, gia đình ông Cao trồng thêm rau bắp cải, cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng thêm dâu tây, để lấy ngắn nuôi dài... Đồng thời, gia đình ông đầu tư hơn 300 triệu đồng làm đường ống dẫn nước từ khe suối về, làm hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động cho cây ăn quả trong 2 nhà lưới (mỗi nhà rộng 300 m²) và sản xuất các loại rau. Sau hơn 2 năm trồng rau bắp cải trong nhà lưới thấy hiệu quả hơn hẳn trồng rau ở ngoài trời, do có nhà lưới che cho rau khi nhiệt độ xuống thấp, không bị sương muối, kiểm soát được các loại sâu bệnh gây hại, vì thế năng suất và chất lượng cũng tăng lên. Sau vụ cà chua, bắp cải, ông trồng dâu tây. Hiện nay, gia đình ông Cao có 5 ha cam, quýt, năm trước thu được 25 tấn quả, thu hơn 500 triệu đồng; dự kiến vụ năm nay thu khoảng 50 tấn quả.

 

Hết lòng vì cộng đồng

 

Dù bận rộn trong lao động sản xuất, nhưng ông Cao vẫn tích cực tham gia công việc chung của bản. Từ năm 2014 đến nay, ông được bầu làm Bí thư chi bộ bản. Trên cương vị của mình, ông luôn phát huy trí tuệ tập thể, tìm các giải pháp về phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Ông Cao nói: Thay đổi tập quán sản xuất của bà con là điều không dễ, bởi nó là thói quen của đồng bào, phải có những người “đi tiên phong” làm trước, làm hiệu quả để bà con nhìn thấy, học và làm theo.

 

Chính từ suy nghĩ đó, ông Cao đã cùng các đảng viên trong chi bộ tích cực vận động các hộ gia đình tập trung chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây ăn quả có múi trên đất dốc; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập... Ông luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ về vốn, kỹ thuật cho người dân. Năm 2018, ông Cao và một số hộ trồng cây ăn quả trong bản bàn bạc và quyết định đăng ký thành lập HTX nông nghiệp A Cao, do ông làm Giám đốc.

 

Hệ thống bón phân tự động của gia đình ông Tráng A Cao

 

HTX nông nghiệp A Cao có 7 thành viên, trồng 12 ha cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả có múi, sản lượng các loại quả năm 2020 đạt 55 tấn quả, doanh thu trên 1,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm/thành viên.

 

Giám đốc “chân đất” Tráng A Cao dung dị, chất phác, đậm chất nông dân. Chia sẻ với chúng tôi, ông tâm sự: Là nông dân không được học nhiều, nhưng khi các thành viên tín nhiệm bầu làm giám đốc mình phải dốc hết sức, hết lòng. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tôi và Ban quản trị HTX đã tìm hướng đi phát triển phù hợp. Chủ động tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giữ uy tín đối với khách hàng, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Hiện nay, toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đều được trồng, chăm sóc, thu hoạch theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được một số siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch trong, ngoài tỉnh đặt mua.

 

Ông Tráng A Cao hướng dẫn người dân bản Hua Tạt kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

 

Từ mô hình của HTX nông nghiệp A Cao, người dân trong bản tích cực học và làm theo. Hiện tại bản Hua Tạt có hơn 60 ha cây ăn quả, 40 ha trồng rau màu; nuôi hơn 270 con trâu, bò, hơn 1.100 con lợn. Điều đáng mừng là cả bản chỉ còn 5 hộ nghèo đang được các tổ chức, đoàn thể của bản giúp đỡ để thoát nghèo trong thời gian tới.

 

Giữ gìn văn hóa truyền thống

 

Bản Hua Tạt có 170 hộ thuộc 4 dòng họ: Tráng, Giàng, Sồng, Vàng. Những năm qua, ông cùng Chi ủy, Ban quản lý bản vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong vùng đồng bào dân tộc tộc Mông. Ông thường xuyên thăm hỏi, trao đổi, động viên những người có uy tín, trưởng dòng họ trong bản tích cực tham gia tuyên truyền các thành viên gia đình phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; bổ sung, sửa đổi nội dung quy ước, hương ước, không thách cưới, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống, bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, ốm đau đến cơ sở y tế khám và điều trị...

 

Mô hình trồng đậu cô ve của người dân bản Hua Tạt.

 

Nhờ đó, những nét văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; bản làng ngày càng sạch đẹp đã mở ra hướng đi mới ở Hua Tạt là phát triển du lịch cộng đồng. Nổi bật như “A Chu Homestay” của Tráng A Chu - tiên phong làm du lịch cộng đồng ở Hua Tạt, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo vừa đậm đà nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc. Thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân mỗi tháng homestay của A Chu đón khoảng 400 - 500 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu từ du lịch hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, tại bản Hua Tạt đã có 5 hộ xây dựng mô hình homestay, mở ra một hướng đi mới thoát nghèo từ làm du lịch cộng đồng.

 

Đồng chí Lường Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vân Hồ, tự hào nói: Đồng chí Tráng A Cao là bí thư chi bộ điển hình tiên tiến trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có tư duy trong lãnh đạo phát triển kinh tế, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Đồng chí luôn phát huy tốt vai trò của người đảng viên, trách nhiệm, hết lòng, hết sức với công việc, được dân mến, dân tin.

 

Năng động, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì công việc chung, Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt Tráng A Cao là tấm gương sáng trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, đồng hành cùng nhân dân trong vươn lên xóa đói nghèo, xây dựng bản ngày càng no ấm, hạnh phúc.

 

Ghi chép: Việt Anh - Mạnh Hùng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.