Đảng bộ xã Hua Păng lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, nhờ có chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển trồng cây ăn quả, tại xã Hua Păng (Mộc Châu) màu xanh của những vườn nhãn, xoài, cam, bưởi ghép, giống mới đang được nhân rộng, đơm hoa, kết trái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Mô hình trồng cam Vinh của ông  Vì Văn Lương, bản Nà Sài, xã Hua Păng (Mộc Châu).

 

Xã Hua Păng cách trung tâm huyện Mộc Châu 40 km. Đảng bộ xã có 14 chi bộ trực thuộc, trong đó: 10 chi bộ bản, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ Trạm y tế xã, với tổng số 266 đảng viên. Là xã thuần nông, cơ cấu cây trồng chủ yếu là ngô, sắn, lúa... Tuy nhiên, giá cả các sản phẩm nông sản mấy năm trở lại đây luôn ở trong tình trạng được mùa thì mất giá và ngược lại, năm 2015, toàn xã vẫn còn 35% hộ nghèo.

Bài toán thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đưa ra với các giải pháp cụ thể, trong đó xác định chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của xã, các bản bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện và xã tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động để chuyển cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế từng bản, từng gia đình. Quá trình thực hiện phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ đó, đã tạo sức lan tỏa và sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân trong thực hiện. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã trồng mới, ghép cải tạo được trên 100 ha nhãn, xoài, bưởi, cam, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn xã lên trên 200 ha. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 21% năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng.

Đi đầu trong chỉ đạo, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kể đến chi bộ bản Nà Sài. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đinh Xuân Hòa, Bí thư chi bộ bản cho biết: Thu nhập chính của bà con chủ yếu là ngô, sắn, lúa và trồng rau màu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2016, tôi và một số hộ trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhãn, xoài, bưởi, mít và ghép cải tạo lại diện tích cây ăn quả bản địa. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhiều hộ trong bản được hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh, bà con đã trồng mới 50 ha xoài, nhãn. Sau hơn 2 năm chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nhiều hộ bắt đầu được thu hoạch vụ đầu tiên với mức thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trồng hơn 1 ha nhãn của ông Vì Văn Thủy; mô hình trồng, ghép cải tạo 400 gốc nhãn của hộ ông Vì Văn Tuấn; mô hình 3,7 ha cam Vinh của ông Vì Văn Lương... Chỉ vụ đầu số tiền các hộ thu được từ bán quả không những hoàn vốn tiền giống, phân bón mà còn có lãi. Từ thành công bước đầu của các mô hình, đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, đến nay đã nhân rộng ra các bản: Suối Đôn, Chiềng Cang, Nà Bó I, Nà Bó II, Tà Lánh, Bó Hiềng...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ xã Hua Păng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các bản tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây ăn quả theo hướng tập trung; tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, tư vấn, hỗ trợ hộ dân hướng tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả; tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới