Đến xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cảm nhận được sự đổi thay bởi có những ngôi nhà tầng được xây dựng khang trang, hoạt động dịch vụ thương mại phát triển; trên khắp sườn đồi là vườn cây ăn quả, vườn dứa xanh tốt...
Một cuộc sinh hoạt chi bộ mở rộng bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.
Ảnh: PV
Đảng bộ có 195 đảng viên, sinh hoạt tại 25 chi bộ trực thuộc. Ông Đỗ Ngọc Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Chú trọng lãnh đạo nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây sơn tra, cây ăn quả trên đất dốc; phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ; chăn nuôi gia súc theo hướng trồng cỏ, nuôi nhốt; phát triển mô hình nông lâm kết hợp. Phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do huyện tổ chức.
Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng ủy, các chi bộ, đảng viên trong xã luôn nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế. Anh Vừ A Nếnh, Phó Bí thư chi bộ bản Pha Khuông, chia sẻ: 12 đảng viên trong chi bộ luôn nêu cao trách nhiệm, gương mẫu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Bản thân tôi đã chủ động đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp với 2 ha sơn tra, mận hậu, mận tam hoa, đào Pháp; nuôi gần 40 con bò thịt và hơn chục con lợn, đào ao thả cá, kết hợp nuôi gia cầm. Hàng năm, trừ chi phí, mô hình kinh tế VAC đã đem lại thu nhập cho gia đình từ 150-200 triệu đồng. Tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho các hộ dân trong bản. Đến nay, cả bản có 17ha cây ăn quả; 400 con trâu, bò; hơn 2.000 con gia cầm; có 20 hộ kinh doanh dịch vụ; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%.
Thăm bản Co Nghè B, hiện có 62 hộ, 319 nhân khẩu. Chi bộ bản có 4 đảng viên, thời gian qua, chi bộ đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, tận dụng các khu đất trống để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, phát huy thế mạnh từ nghề nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo; chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Cả bản hiện có gần 200 con bò, 500 con gia cầm; chăm sóc 400 ha cây mận hậu, cây ăn quả...
Đảng viên Và A Mua tiên phong thực hiện mô hình nuôi lợn đen bản địa. Anh Mua chia sẻ: Tôi vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua 2 con lợn nái và 20 con lợn đen giống bản địa về nuôi. Thức ăn chủ yếu là cây chuối trộn bột ngô, sau 9 tháng, lợn xuất chuồng đạt từ 90kg-1 tạ/con, với giá bán 100 nghìn đồng/kg, chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa chuộng, không đủ bán ra thị trường. Từ mô hình này, nhiều hộ trong bản làm theo, hiện cả bản có 600 con lợn đen bản địa.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nghị quyết Đảng ủy xã Co Mạ đã đề ra mục tiêu phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, đến nay toàn xã có 330 ha cây sơn tra, trên 150 ha cây ăn quả, phát triển hơn 6.000 con gia súc, 20 ha nuôi trồng thủy sản; 7 ha dứa nguyên liệu... Ngoài ra, toàn xã có hơn 50 hộ kinh doanh cá thể... thu nhập bình quân người dân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu phấn đấu đưa xã Co Mạ thoát khỏi xã nghèo của huyện, Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục lãnh đạo nhân dân tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển cây dược liệu, phát triển rừng và chăn nuôi đại gia súc; duy trì phát triển đàn trâu bản địa; phát triển du lịch sinh thái tại bản Cửa Rừng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!