Đảng bộ xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai có 412 đảng viên, sinh hoạt tại 16 chi bộ. Cùng với làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, Đảng bộ xã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo lực xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các chi bộ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Tranh thủ và sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng đầu tư phát triển kinh tế.
Là xã vùng cao, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đất bạc màu, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi ở một số hộ còn chậm nên năng suất, sản lượng còn thấp, cuộc sống gặp khó khăn. Nhằm thay đổi tư duy cho bà con, các đảng viên đã gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ.
Từ thực tiễn, nhiều mô hình kinh tế của đảng viên đã cho hiệu quả cao và được nhân rộng, như: Trồng chanh leo, mận hậu, kết hợp trồng sả của đảng viên Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; trồng su su, cây ăn quả của gia đình đảng viên Lò Văn Thịnh, bản Có Nàng, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; trồng mận, xoài, dược liệu, mắc ca của hộ đảng viên Tẩn Văn Pặt, bản Phiêng Bay, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm...
Bám sát nghị quyết của Đảng ủy, cách thức tổ chức sản xuất của bà con trong xã đã có sự thay đổi; đã biết liên kết thành lập các HTX; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, những diện tích đầu tư thâm canh, giống mới có thể đạt từ 200-500 triệu đồng/ha. Nhiều sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng đang được xây dựng thành các sản phẩm OCOP, điển hình là sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện, người dân trong xã đang chăm sóc gần 200 ha cây ăn quả, trong đó có hơn 30 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 5.100 ha rừng; chăn nuôi 43.000 con gia súc, gia cầm. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người 31 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%; xã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Theo sự giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đảng viên Tẩn Văn Pặt, Chi bộ bản Phiêng Bay. Trong câu chuyện, ông Pặt chia sẻ, việc thay đổi tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống của bà con là điều không dễ, nên phải có những người “tiên phong” làm trước. Năm 2014, ông chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả trồng lúa nương sang trồng cây quế, mắc ca và trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc. Đến nay, gia đình ông đã có 2,5 ha cây mắc ca, 1 ha cây quế, 1 ha xoài; nuôi 25 con trâu, bò; chăm sóc 4 ha rừng thông; đầu tư một máy xúc làm dịch vụ, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/năm.
Đảng viên Tẩn Văn Pặt phấn khởi: Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình đã giúp bà con trong bản tin tưởng làm theo. Cả bản đang tập trung quản lý, khoanh nuôi bảo vệ hơn 70 ha rừng, chăm sóc 5 ha cây mắc ca, 5 ha cây ăn quả các loại và 12 ha cây quế; duy trì trên 400 con trâu, bò. Kinh tế ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; việc học của con em được quan tâm, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; nhiều năm liền bản đạt danh hiệu bản văn hóa; tình hình an ninh trật tự ổn định; bản chỉ còn 18 hộ nghèo.
Còn tại bản Có Nàng, Chi bộ, Ban quản lý bản luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền vận động bà con tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Ông Lò Văn Pản, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, nói: Chi bộ có 42 đảng viên. Với lợi thế nằm ở trung tâm xã, Chi bộ đã phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của các đảng viên phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Đến nay, 40% số hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ; chăm sóc 7 ha lúa, 3 ha cây ăn quả các loại và 33,6 ha cây quế, trên 20 ha ngô, sắn; duy trì trên 200 con trâu, bò. Kinh tế ổn định, bản chỉ còn 6 hộ nghèo.
Tạo đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Chiềng Khay tập trung lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, trọng tâm là phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc; chăn nuôi đại gia súc theo hướng trồng cỏ và nuôi nhốt; trồng rừng sản xuất, bảo vệ diện tích rừng hiện có gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả; vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; tổ chức cho nhân dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả thành công tại các địa phương trong và ngoài huyện.
Những kết quả đạt được năm 2022, là tiền đề để Đảng bộ xã Chiềng Khay tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra, phấn đấu năm 2024, xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!