Đảng bộ huyện Vân Hồ tăng cường lãnh đạo đối với công tác ATTP

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, 3 năm qua, trên địa bàn huyện Vân Hồ đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường huyện Vân Hồ tiêu hủy hàng giả, hàng nhái. 

Trên địa bàn huyện có 2 chợ họp theo phiên (Chiềng Yên, Quang Minh) và một số chợ tại các xã Song Khủa, Tô Múa, Vân Hồ, Lóng Luông; 500 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; 83 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 26 bếp ăn tập thể. Vân Hồ nằm ở địa bàn cửa ngõ của tỉnh, hoạt động trao đổi hàng hóa chủ yếu qua tuyến quốc lộ 6, đường sông Đà, đây cũng là tuyến luôn tiềm ẩn việc thẩm lậu thực phẩm bẩn vào địa bàn. Mặt khác, do địa hình trải rộng, giao thông khó khăn nên việc quản lý nguồn thực phẩm gặp không ít khó khăn.

Sau khi thành lập huyện Vân Hồ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chỉ đạo, quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư tới các cơ sở. Chỉ đạo UBND từ huyện đến các xã xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP để tổ chức thực hiện. Hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP” và tăng cường công tác triển khai các đợt kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp, triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo vệ sinh ATTP. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về vệ sinh ATTP được quan tâm; hằng năm, tổ chức  ra quân “Tháng hành động vệ sinh ATTP”, tổ chức 125 lớp tập huấn về vệ sinh ATTP; phát 584 chương trình trên hệ thống truyền thanh-truyền hình; tổ chức 811 buổi tuyên truyền trực tiếp trên phạm vi toàn huyện, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP cũng như kiến thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác vệ sinh ATTP và có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị liên quan, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm soát tốt vệ sinh ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Các ngành chức năng, phối hợp kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm an toàn và công khai nơi bán cho người tiêu dùng lựa chọn. 3 năm qua, đã cấp phép cho 62 sơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 26 bếp ăn đảm bảo điều kiện VSATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 977 lượt cơ sở, qua đó, phát hiện, xử lý 417 lượt cơ sở vi phạm; phạt tiền trên 140 triệu đồng. Công tác phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm được quan tâm chỉ đạo, triển khai các đợt giám sát cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là giám sát bếp ăn tập thể tại các trường học, nhằm kiểm soát nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt các quy định về ATTP, như: Chưa có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; chưa được tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP; kinh doanh một số loại thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm có hóa chất độc hại... tiềm ẩn thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe con người, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Vân Hồ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và chính quyền các cấp nâng cao hiệu lực quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh; triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới