Hà Trung Chiến
Bí thư huyện ủy Mộc Châu, Chủ tịch HĐND huyện
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Mộc Châu khảo sát phân khu quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Trước yêu cầu phát triển của cách mạng, ngày 6/3/1947, Chi bộ Đảng đầu tiên của Mộc Châu được thành lập tại bản Cho Đáy, xã Tô Múa với 3 đảng viên. Sự kiện thành lập Chi bộ đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng huyện Mộc Châu, đặc biệt là Chi bộ Đảng cấp huyện đầu tiên trong tỉnh Sơn La. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện luôn giữ vững và phát huy phẩm chất tiên phong cách mạng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong công tác, lao động sản xuất, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Đến giữa năm 1947, sau khi địa bàn tỉnh Sơn La bị thực dân Pháp kiểm soát, Tỉnh ủy Sơn La quyết định xây dựng vùng hạ huyện Mộc Châu thành Khu căn cứ kháng chiến, gọi là Mộc Hạ (nay có 3 xã thuộc huyện Mộc Châu là xã Quy Hướng, Nà Mường, Hua Păng, còn lại 9 xã thuộc huyện Vân Hồ) đây là khu căn cứ kháng chiến đầu tiên của tỉnh Sơn La. Để xây dựng và bảo vệ an toàn cho Khu căn cứ, nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu đã đồng cam cộng khổ, nhường cơm, xẻ áo, che chở, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, góp phần ngăn chặn vô hiệu hóa mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, đập tan nhiều cuộc truy lùng, bao vây của địch. Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhiều địa danh lịch sử, nhiều tấm gương dũng cảm đã đi vào sử sách, như: dãy núi Pu Tên, Đội du kích Pơ Tào, Hũ rượu bản Lòm; chiến sỹ Quách Công Đăm, Vì Văn Sam và nhiều chiến sỹ khác... Đặc biệt, trận đánh Hũ rượu Ngàm bản Lòm là chiến công đầu có ý nghĩa quan trọng và trở thành chiến công huyền thoại của nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến tháng 7/1947 các đoàn thể cứu quốc của Mộc Châu lần lượt ra đời và đi vào hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc và các lực lượng vũ trang đã tổ chức phát động đấu tranh vũ trang để phá kế hoạch khủng bố và càn quét của địch. Đầu năm 1948, Ủy ban hành chính kháng chiến Mộc Châu được thành lập, đến cuối năm 1948 tất cả các xã trong huyện đã có chính quyền của nhân dân và ngày 22/12/1949, huyện đội Mộc Châu được thành lập. Ngày 8/4/1950 Trung đội Bộ đội địa phương đầu tiên của Mộc Châu ra đời, với lực lượng ban đầu gồm 90 chiến sỹ.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đoàn kết một lòng, tập trung sức lực, trí tuệ để vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội vừa nâng cao đời sống nhân dân, phong trào hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển rộng khắp, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phản loạn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Ngày 8/5/1959, Bác Hồ dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm Mộc Châu, Bác đã động viên, nhắc nhở cán bộ, và nhân dân các dân tộc Mộc Châu thi đua tăng gia sản xuất, khắc phục khó khăn, làm tròn mọi nhiệm vụ. Vâng lời Bác dạy, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã ra sức thi đua lao động sản xuất ngày càng phát triển.
Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ với âm mưu đen tối và thâm độc đã nhảy vào thế chân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, một lần nữa Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu cùng với nhân dân Sơn La và cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh ác liệt này, Mộc Châu là một trong những trọng điểm đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt. Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1972, Mỹ đã huy động hơn 6.000 lượt máy bay, thực hiện hàng ngàn trận ném bom, với 13.608 quả bom, đánh phá tất cả mục tiêu như cầu cống, kho tàng, nhà trường, bệnh viện và các vùng dân cư... gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Song, với ý chí quyết đánh và quyết thắng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Tổng kết 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Mộc Châu đã bắn rơi 31 máy bay các loại và bắt sống 7 tên giặc lái, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên gián điệp, biệt kích, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, chi viện cho cách mạng Lào và giải phóng miền Nam.
Trải qua 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu đã quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chính trị - xã hội ổn định, khối đoàn kết các dân tộc được củng cố, tập trung chuyển đổi cơ cấu, phát huy tiềm năng lợi thế, phấn đấu trở thành huyện phát triển của tỉnh, là trung tâm Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Hạ tầng KT-XH được đầu tư khá đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện; hiện nay 13/15 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, 15/15 xã, thị trấn có nhà văn hóa, trong đó 4 xã có trụ sở làm việc đạt chuẩn; trụ sở huyện được xây dựng mới khang trang, hiện đại, diện mạo đô thị du lịch ngày càng rõ nét, bộ mặt nông thôn mới ngày một khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 11,51%. Nhân dân thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong phát triển kinh tế xã hội, với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, làm nhà đại đoàn kết, các hoạt động an sinh xã hội... Đến nay, diện mạo của Mộc Châu đã có nhiều khởi sắc, năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 135 tỷ đồng, đạt 135,2% so dự toán tỉnh giao. Phát triển nông - lâm nghiệp tập trung vào những cây, con chủ lực như bò sữa, chè. Chương trình nông thôn mới được quan tâm, có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, toàn huyện đạt bình quân 8,92 tiêu chí/xã; trong chương trình làm đường giao thông nông thôn, toàn huyện đã triển khai xây dựng 224 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 75km.
Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt, trải qua 21 kỳ đại hội, từ 3 đảng viên khi thành lập chi bộ đầu tiên, đến trước khi tách huyện Mộc Châu, thành lập huyện Vân Hồ (tháng 9/2013) huyện Mộc Châu có 29 xã, thị trấn, Đảng bộ huyện có 102 chi, đảng bộ cơ sở, 8.672 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 77 chi, đảng bộ cơ sở, 396 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 6.763 đảng viên.
Những kết quả đạt được là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân huyện Mộc Châu tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Chuyển dịch cơ cấu hợp lý để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, tăng cường đầu tư cho phát triển du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư phát triển VH-XH, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và mở rộng, tăng cường đối ngoại. Phấn đấu trở thành huyện phát triển của tỉnh, là trung tâm Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Mộc Châu xác định việc kế thừa và phát huy truyền thống cao quý đó là trách nhiệm lớn lao của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong huyện, để tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bảng vàng thành tích
|
Thu hoạch chè xuân trên cao nguyên Mộc Châu.
Dây chuyền chế biến sữa của Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu.
Công nhân Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới xã Đông Sang (Mộc Châu) chăm sóc vườn hoa lan.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!