Những năm qua, phong trào “Dân vận khéo” ở huyện Mường La được triển khai sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Nổi bật là những mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Nhân dân xã Chiềng Lao (Mường La) phát triển nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Để phong trào “Dân vận khéo” đi vào cuộc sống, huyện Mường La chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở; phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức thực hiện việc rà soát các mô hình, điển hình, xây dựng kế hoạch tổ chức nhân rộng... nhờ đó, tạo sự đồng thuận cao, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Mường La đã có 116 mô hình “Dân vận khéo” các cấp (trong đó lĩnh vực phát triển kinh tế có 27 mô hình tập thể và 18 mô hình cá nhân, được đánh giá hiệu quả, thiết thực và được lựa chọn nhân rộng).
Các mô hình trong lĩnh vực phát triển kinh tế được tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản... thu hút đông đảo nhân dân tham gia, với nhiều cách làm mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Điển hình như các mô hình: phong trào vệ sinh sạch bản, tốt ruộng của Chi bộ bản Mường Bú, xã Mường Bú; trồng cây sơn tra, cây măng trên đất dốc của người dân bản Nặm Nghiệp, xã Ngọc Chiến; trồng cây thảo quả của xã Chiềng Công; sản xuất tinh dầu xả của xã Pi Toong; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện của các xã ven lòng hồ thủy điện Sơn La...
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở bản Nong Chạy, xã Mường Chùm (Mường La).
Đến thăm hộ anh Cà văn Siêng, bản Tà Sài (Chiềng Lao), là người tiên phong trong việc nuôi cá trên lòng hồ của xã. Tìm hiểu được biết, năm 2016, gia đình anh đầu tư nuôi 4 lồng cá, đến nay đã phát triển lên 10 lồng, với nhiều loại cá khác nhau. Để cá có chất lượng tốt, anh trồng cỏ voi, chuối, làm vó kéo cá nhỏ ở sông làm thức ăn, sản lượng đạt 7 tấn cá/năm, thu hơn 400 triệu đồng, tạo việc làm 3 lao động. Từ mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ cho thấy hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Siêng đã khích lệ nhiều hộ trong xã tham gia đầu tư nuôi cá lồng. Đến nay, xã Chiềng Lao đã có 2 HTX nuôi trồng thủy sản, 76 hộ tham gia với 290 lồng cá, sản lượng đạt hơn 200 tấn cá/năm, mang lại doanh thu hơn 14 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nói về công tác “Dân vận khéo” trong thời gian qua, đồng chí Hoàng Bá Dũng, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, công tác “Dân vận khéo” từ huyện đến cơ sở đã mang đến những hiệu quả tích cực. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện nhiều mô hình của tập thể, cá nhân mang lại thu nhập cao, tạo việc làm ổn định và có sức lan tỏa sâu rộng trong tầng lớp người lao động, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp triển khai tuyên truyền, vận động phong trào thi đua tới cán bộ, đảng viên, nhân dân; gắn nội dung thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kịp thời biểu dương và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, mô hình điển hình tiên tiến.
Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Mường La đã tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao trong công tác triển khai thực hiện phong trào thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn, góp phần cổ vũ động viên nhân dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, chủ động nguồn lực đầu tư các mô hình cho hiệu quả kinh tế, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng vùng quê bên sông Đà ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!