Chuyển biến sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), đời sống vật chất và tinh thần cư dân nông thôn của huyện Sốp Cộp được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho nhân dân...

 

Cán bộ Đội 7 (Đoàn 326) hướng dẫn nhân dân bản Sam Quảng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp)

trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Theo thống kê, kinh tế nông nghiệp của huyện có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt 3-4%/năm; bước đầu hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh. Quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bố trí dân cư song hành với quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã, làm cơ sở xây dựng phương án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển, hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân tăng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được chú trọng...

Là địa phương có thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, Sốp Cộp chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, phát huy thế mạnh của huyện và nhu cầu của thị trường, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: vùng cây cà phê Dồm Cang; vùng lúa đặc sản Mường Và; vùng cam, quýt Mường Và, Nậm Lạnh...; phát triển vùng sản xuất cà phê theo chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nếp Mường Và - Sốp Cộp, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, toàn huyện hiện có 347,4 ha cà phê,  675,3 ha cây ăn quả. Đặc biệt, các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất cây ăn quả đã thúc đẩy người nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn (cam, xoài tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn); việc tích tụ, tập trung đất đai được triển khai đa dạng, góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp. Nhiều dự án sản xuất áp dụng công nghệ mới, tiên tiến (tưới nhỏ giọt, chăn nuôi trên đệm lót, thâm canh) hỗ trợ tích cực người dân; xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cải tạo giống cây trồng, cải tạo vườn tạp, ghép mắt, trồng cây ăn quả trên đất dốc. Việc triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển giống lúa đặc sản nếp tan hin, tan nhe”, đề tài “Phục tráng và phát triển các giống lúa nếp tan hin, tan lo, Săm pa tong”, phục tráng giống lúa I1; trồng khảo nghiệm một số loại cây như mắc ca, đào Mỹ và đưa các loại giống mới, năng suất cao vào sản xuất như giống lúa DT 52, cam canh, cam V2, cam Vinh, xoài Thái Lan... để góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Chăn nuôi được xác định là ngành kinh tế quan trọng, huyện đã quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng cỏ theo hướng tập trung tại 58 khu vực chăn thả với 13.690 ha; duy trì đàn trâu, bò 22.773 con; đàn lợn 21.831 con (chủ yếu là giống địa phương), 3.040 con dê, 670 con ngựa, 1.630 con nhím, 1.390 tổ ong... Đây là cơ sở phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn, dê) đạt trên 50.000 con; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc chính bình quân hàng năm đạt khoảng 3,0%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 2.250 tấn. Hình thức chăn nuôi tập trung, chăn nuôi nhóm hộ dần được hình thành và phát triển, quy trình kỹ thuật được tập huấn, chuyển giao và áp dụng. Nhờ đó, bà con sử dụng hiệu quả các phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi, giảm chi phí, công lao động, tạo nguồn năng lượng sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2017, toàn huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt 9 tiêu chí, 4 xã đạt 7 tiêu chí, 1 xã đạt 6 tiêu chí và 1 xã đạt 5 tiêu chí. Các tiêu chí có tỷ lệ đạt chuẩn cao gồm quy hoạch, thủy lợi, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh. Trong 10 năm, đã phê duyệt 1.028 tuyến giao thông nông thôn với 123,18 km đường giao thông nông trên địa bàn 8 xã, với tổng kinh phí trên 112 tỷ đồng (nhân dân đóng góp gần 78,3 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ gần 34 tỷ đồng). Người nghèo từng bước được cải thiện về đời sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng giúp họ tự nỗ lực vươn lên, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 50,08%, đến năm 2017 giảm xuống còn 42,08% (theo tiêu chí đa chiều); Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020) được triển khai hiệu quả, đã đầu tư gần 40 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện; trong 10 năm đã xóa nhà tạm cho 1.537 hộ...

Thời gian tới, Sốp Cộp tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, các xã nghèo; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng KT-XH phù hợp...

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới