Bài 2: Xây dựng tổ chức cơ sở Ðảng cơ quan báo chí thật sự trong sạch, vững mạnh
Ðể thực hiện tốt vai trò, chức trách của mỗi cơ quan báo chí, công tác tổ chức, lãnh đạo cơ quan báo chí phải thực sự thúc đẩy đội ngũ cán bộ, phóng viên bên cạnh nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cần không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp…
Tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan báo chí cần thật sự trong sạch, vững mạnh. Ðó là những nguyên tắc cơ bản đầu tiên bảo đảm báo chí giữ vững bản chất cách mạng, phát triển đúng hướng, bảo đảm quyền sáng tạo. Ðó cũng là cơ sở để mỗi cơ quan báo chí phát triển bền vững, tích cực, góp phần cùng báo chí Việt Nam hoàn thành sứ mệnh nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều tổ chức cơ sở đảng tại các cơ quan báo chí đã chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp trong tòa soạn, trực tiếp là đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Một số mô hình hay được thực hiện như: tổ chức cơ sở đảng phối hợp chi hội nhà báo thực hiện các buổi sinh hoạt chuyên đề, gặp gỡ nhà báo lão thành có nhiều thành tựu trong hoạt động báo chí qua các thời kỳ; tổ chức các tọa đàm giúp phóng viên, biên tập viên trao đổi, học tập kinh nghiệm nghiệp vụ gắn với công tác sinh hoạt tư tưởng, chính trị; lồng ghép nội dung bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên; tạo điều kiện cho các phóng viên trẻ "về nguồn", từ đó bồi đắp niềm tự hào dân tộc, góp phần nâng cao ý thức xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp...
Tại một số địa phương, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ðảng ủy Khối các cơ quan, cùng các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức bồi dưỡng, học tập về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể hội viên; tổ chức thi sáng tác, quảng bá tác phẩm báo chí về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm riêng của từng đơn vị, tổ chức cơ sở đảng tại mỗi cơ quan báo chí cần sáng tạo thêm cách làm mới, thiết thực, trên cơ sở đó từng bước phát huy vai trò, hiệu quả của tổ chức cơ sở đảng trong hoạt động của đơn vị mình, gắn công tác xây dựng đảng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Ðồng thời chú trọng hơn nữa việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới tại cơ quan báo chí, từ đó giúp phóng viên trẻ nâng cao ý thức về vai trò, trách nhiệm người làm báo trước các đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc và xã hội…
Thực tế nói trên cho thấy việc củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng trong mỗi cơ quan báo chí ngày càng trong sạch, vững mạnh là một vấn đề cấp thiết. Vì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan báo chí vừa giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vừa là "hạt nhân tinh thần" của tờ báo, và đảng viên trong tổ chức cơ sở đảng là những người làm báo có vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát huy ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, thực hiện nghĩa vụ công dân. Và đương nhiên để sai phạm nảy sinh không thể không đề cập trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí. Bởi, dù tác phẩm báo chí là sản phẩm của một người (nhóm người) làm báo thì việc công bố lại phụ thuộc vào quy trình xuất bản của mỗi tòa soạn, trong đó nổi lên vai trò của đội ngũ lãnh đạo, các cá nhân chịu trách nhiệm, tổ chức, biên tập, ký duyệt trước khi công bố. Về cơ bản, hiện nay đội ngũ lãnh đạo tại các tòa soạn báo chí đều là đảng viên, một số người còn giữ vai trò quan trọng trong tổ chức đảng của cơ quan chủ quản. Tổ chức cơ sở đảng tại cơ quan báo chí không chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn mà còn chịu trách nhiệm về công tác tư tưởng, chính trị, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng trong khi triển khai nhiệm vụ của đơn vị.
Điều 1 Quy định số 165-QÐ/TW (21-4-2006) của Ban Bí thư "Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí" đã quy định rất rõ: "Ðảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, tạp chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Như vậy, nếu tổ chức cơ sở đảng ở mỗi cơ quan báo chí thiếu nỗ lực trong tổ chức, lãnh đạo, quán triệt nhiệm vụ, giám sát hoạt động của tòa soạn theo đúng tôn chỉ, mục đích và đạo đức người làm báo, buông lỏng công tác tư tưởng, hoạt động có tính hình thức, buông lỏng công tác quản lý đảng viên (nhất là đảng viên lãnh đạo cơ quan báo chí, đứng đầu bộ phận chuyên môn) thì sai phạm khó tránh khỏi. Tương tự, nếu người làm báo là đảng viên thiếu nỗ lực nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị, thiếu niềm tin vào đường lối của Ðảng, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, không chú trọng vai trò nêu gương, thiếu nỗ lực học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thiếu gương mẫu khi tác nghiệp, coi báo chí là phương tiện trục lợi,... thì cơ quan báo chí không chỉ tự xa rời tôn chỉ, mục đích, không hoàn thành nhiệm vụ mà còn tác động tiêu cực tới nhận thức, suy nghĩ, hành động của bạn đọc, tới uy tín của Ðảng và Nhà nước.
Vì thế, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) "Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới" đã xác định: "Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng đảng trong các cơ quan báo chí. Ðề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí về thi hành Ðiều lệ Ðảng, các quy định của Ðảng, Nhà nước đối với hoạt động báo chí". Qua đó có thể thấy, để tổ chức cơ sở đảng thật sự là nền tảng của Ðảng, là hạt nhân chính trị tại mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo là đảng viên cần xác định rõ và ý thức tự giác về vai trò, trách nhiệm của mình.
Mỗi người làm báo là đảng viên cần gương mẫu trong tác nghiệp, trở thành chủ thể nghề nghiệp tích cực trong sự kết hợp thống nhất hài hòa giữa việc "suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Ðảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng các nghị quyết của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Ðảng" như Ðiều lệ Ðảng quy định, với việc "thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; không lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về các hành vi vi phạm pháp luật; tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo" như Luật Báo chí (năm 2016) đã xác định.
Ngày 8-4 vừa qua, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã ký ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: "Ðẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng trong các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chủ quản báo chí định kỳ làm việc với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam để cung cấp thông tin cần thiết đối với những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng tuyên truyền; phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để hội nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội". Ðây là định hướng quan trọng để các cơ quan báo chí tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng đảng tại đơn vị mình.
Là một lĩnh vực hoạt động xã hội có tính đặc thù, chuyên biệt, báo chí có thể tác động tích cực đến sự phát triển xã hội, song cũng có thể tác động tiêu cực, cản trở sự phát triển xã hội nếu xa rời định hướng chung, xem nhẹ công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, thiếu trách nhiệm với bạn đọc. Thực tế phát triển của báo chí Việt Nam cho thấy, yếu tố đầu tiên, duy nhất, có khả năng hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra đó là phát huy sức mạnh tổng hợp, thống nhất ý chí và hành động giữa tổ chức cơ sở đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí với nỗ lực tự thân của người làm báo. Ðó sẽ là nền tảng quan trọng giúp báo chí phát huy tính tích cực xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!