Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Chiềng Pha (Thuận Châu) đã tập trung xây dựng các mô hình thi đua “Dân vận khéo”, gắn với lợi ích của người dân; vận động nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng cây chanh leo tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu).
Đồng chí Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn xã. Đến nương của gia đình chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận đúng lúc gia đình đang thu hái thanh long. Bổ trái thanh long ruột đỏ mời khách, chị Dưng chia sẻ: Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gia đình đăng ký chuyển đổi đất nương sang trồng cây thanh long. Tham gia mô hình, tôi được đi học tập kinh nghiệm trồng thanh long tại một số huyện trong tỉnh, được hướng dẫn kỹ thuật, tháng 3/2017, gia đình đã trồng 400 gốc thanh long trên 5.000 m2 đất nương và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hái được 6 lứa với trên 2 tấn quả, dự kiến đến hết năm thu thêm 6 lứa nữa, với giá bán từ 25-30 nghìn đồng/kg, thu trên 80 triệu đồng. Với giá trị và hiệu quả trồng cây thanh long, thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng.
Còn tại gia đình ông Lò Văn Uôn, bản Nà Heo một trong những hộ thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng, ông Uôn phấn khởi nói: Ngày trước nuôi gia súc dưới gầm sàn ô nhiễm lắm. Đầu năm 2017, được chính quyền xã tuyên truyền vận động thực hiện mô hình, gia đình đồng ý ngay, lại được vay ưu đãi 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mua giống, trồng cỏ và làm chuồng trại. Hiện nay, gia đình duy trì trồng gần 3.000 m2 cỏ voi phục vụ đàn bò hơn 10 con, trung bình mỗi năm bán được 4 - 5 con thu gần 100 triệu đồng.
Được biết, đây chỉ là 2 trong 10 mô hình “Dân vận khéo” của tập thể và cá nhân đang phát huy hiệu quả ở Chiềng Pha, đổi thay rõ nét nhất là sản xuất nông nghiệp đã từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa. Chủ tịch UBND xã, Lò Văn Hoan cho biết thêm: Xác định việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” phải gắn liền với lợi ích của nhân dân, xã chỉ đạo các đoàn thể nghiên cứu, tìm hiểu thực tế để tham mưu xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, làm điểm để tuyên truyền, vận động người dân học tập, làm theo. Trong đó, tập trung nghiên cứu lựa chọn những cây, con phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo tính bền vững. Từ đó, xã đã đăng ký xây dựng và thực hiện nhiều mô hình, như: Phát triển cây cà phê giống mới cho năng suất, chất lượng cao; mô hình trồng cây bơ xen cây cà phê; trồng cây chanh leo, nuôi bò nhốt chuồng.
Chính từ việc xác định đúng, trúng để xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa lớn, hiện nay, toàn xã có 450 ha cây cà phê, 150 ha chè chất lượng cao, gần 40 ha cây ăn quả các loại và 40 ha rau mầu. Cùng với phát triển cây trồng chất lượng cao, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, khuyến khích bà con trồng 70 ha cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Toàn xã hiện có 30 trang trại nuôi lợn hàng hóa từ 50-200 con; hàng chục trang trại nuôi trâu, bò, dê từ 20-50 con, nhiều hộ dân thu nhập hằng trăm triệu đồng từ trồng chè, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống nhân dân được cải thiện, người dân có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình xã hội, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình “Dân vận khéo” ở Chiềng Pha đã và đang đem lại những hiệu quả, tạo sự lan tỏa thi đua lao động sản xuất trong cộng đồng, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bà con trong xã. Đây là những tiền đề quan trọng để xã tiếp tục triển khai nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!