Chi bộ bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã được thành lập tháng 10/2002, trên cơ sở tách ra từ Chi bộ bản Nam Pìn, có 11 đảng viên.
Hằng năm, xây dựng nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, Chi ủy phân công từng đảng viên phụ trách các vấn đề của bản, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Đào Mạnh Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hồng Nam, cho biết: Trong phát triển kinh tế, bản xác định nhãn là cây trồng chủ lực và nghề làm long nhãn là hướng đi chính. Chi bộ chỉ đạo tuyên truyền, khuyến khích nhân dân ghép cải tạo các vườn nhãn cổ bằng các giống nhãn chín sớm, nhãn miền có năng suất, chất lượng cao hơn; chuyển từ các phương pháp sấy long nhãn thủ công sang phương pháp sấy bằng các lò hơi nhiệt sạch.
Hiện nay, bản Hồng Nam có gần 50 ha nhãn ghép, trên 50 ha xoài, sản lượng đạt 1.000 tấn/năm. Nghề làm long nhãn ở bản Hồng Nam đã có từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng làm thủ công.
Năm 2022, bản Hồng Nam được công nhận là “Làng nghề chế biến long nhãn”, đây là động lực để người dân trong bản nâng cao chất lượng quả nhãn và sản phẩm long nhãn, xây dựng và khẳng định thương hiệu long nhãn. Đến nay, bản có hơn 50 hộ làm long nhãn với trên 100 lò sấy, trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 3.000 tấn quả nhãn tươi. Các lò sấy long nhãn đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho quả nhãn, tạo việc làm, thu nhập cho các lao động địa phương.
Các đảng viên giữ vai trò gương mẫu vận động quần chúng làm theo. Điển hình như Bí thư chi bộ Đào Mạnh Hồng đã chuyển đổi 2 ha đất đồi sang trồng nhãn ghép, đầu tư lò sấy và thu mua long nhãn của các hộ dân trong vùng để chế biến, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Còn đảng viên Lưu Văn Ninh tiên phong ghép cải tạo 1 ha nhãn và đầu tư lò sấy long nhãn… Từ các mô hình trồng nhãn, lò sấy long nhãn cho hiệu quả kinh tế cao của các đảng viên đã tạo động lực để người dân trong bản học và làm theo.
Ông Hoàng Văn Hậu, chủ lò sấy long nhãn ở bản Hồng Nam, chia sẻ: Được cán bộ bản tuyên truyền lợi ích về môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, gia đình tôi đã chuyển từ phương pháp sấy long nhãn thủ công sang sấy long nhãn bằng các lò hơi nhiệt sạch, nhờ đó sản phẩm long nhãn có mẫu mã đẹp hơn, an toàn với người tiêu dùng và được thị trường đón nhận. Sản phẩm long nhãn của gia đình không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu ra thị trường các nước.
Lựa chọn đúng hướng trong phát triển kinh tế, đã mang lại no ấm cho người dân nơi đây, cả bản chỉ còn 2 hộ nghèo là người cao tuổi đơn thân. Bản có 10 hộ gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, 80 hộ thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Không chỉ lãnh đạo phát triển mạnh kinh tế, chi bộ còn làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện quy ước, hương ước của bản, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, trên 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Với quyết tâm của Chi bộ cùng sự năng động của các đảng viên, đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Chi bộ bản Hồng Nam 5 năm liền được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!