Báo Đảng đến với vùng cao biên giới

Chiềng Tương là xã biên giới của huyện Yên Châu, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các thông tin thời sự của huyện, của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn nhiều hạn chế... Trước thực trạng đó, cấp ủy và chính quyền xã đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật và đưa các loại sách báo, tài liệu, nhất là báo Đảng địa phương đến với đồng bào các dân tộc, góp phần nâng cao trình độ dân trí.

Người dân xã Chiềng Tương (Yên Châu) tìm hiểu các thông tin trên Báo Sơn La.

Từ trung tâm xã Chiềng Tương, chúng tôi về Pa Khôm, một bản có 8,2 km đường biên giới giáp nước CHDCND Lào. Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có tivi, nhưng ban ngày bà con đều đi làm nương rẫy, nên thường chỉ còn thời gian xem vào buổi tối; các loại báo Nhân dân, Sơn La, Tiền Phong... là những kênh thông tin chính giúp bà con tìm hiểu tình hình thời sự trong nước, trong tỉnh. Trò chuyện với Trưởng bản Phàng Lao Tranh, anh bảo: Khi có báo về, chúng tôi để ở nhà văn hóa, khi họp bản mọi người chuyền tay nhau đọc. Cũng từ đọc báo Đảng địa phương, bà con hiểu biết thêm về các chương trình, chính sách của tỉnh, của huyện, hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo; biết được giống ngô, giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao cũng như kỹ thuật, kỹ năng sản xuất...

Chúng tôi tiếp tục đến bản Co Lắc, tại nhà văn hóa bản, cầm trên tay tờ Báo Sơn La, anh Giàng Lao Xà, Phó Bí thư Chi bộ bản Co Lắc, chia sẻ: Những năm gần đây, tôi được tiếp cận với thông tin đại chúng đa dạng hơn, nhưng báo Đảng địa phương vẫn là một nguồn tài liệu giúp tôi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Trên báo có chuyên mục xây dựng Đảng, tôi thường xuyên theo dõi và học hỏi cách làm của các chi bộ khác. Ngoài ra, là bản giáp biên giới nên những chuyên mục về an ninh quốc phòng đều được chi bộ, ban quản lý bản quan tâm học hỏi, tuyên truyền để bà con tích cực tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, chủ quyền lãnh thổ...

Được biết, từ địa chỉ các mô hình kinh tế hiệu quả của các hợp tác xã, doanh nghiệp, của hộ gia đình đăng trên báo, người dân đã chủ động tìm đến các địa phương trong và ngoài tỉnh mua giống cây trồng, vật nuôi, học hỏi cách làm kinh tế. Trên địa bàn bây giờ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Trồng mận hậu ở bản Pa Kha 2; chanh leo ở bản Co Lắc, Bó Hin... Rồi từ những bài viết về điển hình hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa... nhân dân trong xã đã bảo nhau góp công, góp sức làm thay đổi diện mạo vùng biên, nhiều tuyến đường vào các bản đã được đổ bê-tông, trường học được xây dựng khang trang. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc... phản ánh trên tờ báo Đảng địa phương cũng được người dân quan tâm. Đặc biệt, việc thực hiện các chính sách dân tộc, tháo gỡ khó khăn ở các bản, xã vùng cao trong tỉnh, đã giúp bà con hiểu thêm về sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó củng cố thêm niềm tin của người dân với Đảng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2018 đến nay, việc phát hành báo do nhân viên bưu điện - văn hóa xã thực hiện và luôn đảm bảo phát hành báo đúng, đủ đến các chi bộ. Trao đổi với chị Giàng Thị Trứ, nhân viên bưu điện - văn hóa xã, được biết chị nhận báo Đảng địa phương hằng ngày trong tuần và đến từng bản giao báo để bà con nắm bắt các thông tin được kịp thời. Tuy nhiên, vào mùa mưa, đường đi hầu hết vẫn là đường đất, đèo dốc, nên việc đưa báo gặp nhiều khó khăn hơn; nếu những ngày không thể đi đưa báo, sẽ gửi những người có uy tín, trưởng bản hoặc bí thư chi bộ về xã làm việc để họ mang về bản. 

Cách chuyển phát báo chí, tài liệu đến tận tay các đối tượng của xã Chiềng Tương là rất thiết thực. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ quán triệt rõ trong các cuộc họp, giao ban hàng tháng về việc phát báo đúng thời gian, đúng đối tượng; bố trí nơi lưu giữ, quản lý các ấn phẩm báo chí hợp lý; các chi bộ bản chủ động để người dân được tiếp cận với báo Đảng địa phương thông qua các hoạt động: Sắp xếp các loại báo chí ở nhà văn hóa bản; đọc báo trong các buổi họp bản, sinh hoạt chi bộ; đọc trên loa truyền thanh của xã, của bản... để người dân nắm được nhanh nhất các thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước, nâng cao hiểu biết về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao mức sống về mọi mặt.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới