Học và làm theo Bác là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu đã cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với những nội dung đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình nuôi cá giống của người dân bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông.
Đảng bộ xã có 19 chi bộ trực thuộc, với 416 đảng viên. Đồng chí Lò Chung Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Đông cho biết: Thực hiện việc học và làm theo Bác, giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ xác định 3 nội dung đột phá để thực hiện, đó là: Tập trung lãnh đạo sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa và mở rộng diện tích nuôi thủy sản; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác xây dựng nông thôn mới; xây dựng điểm du lịch cộng đồng suối nước nóng.
Tạo sự đồng thuận từ phía người dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu gương đi đầu trong các phong trào thi đua. Bên cạnh vận động người thân và gia đình tham gia các phong trào xây dựng NTM, học hỏi ứng dụng mô hình, cách làm hiệu quả, cán bộ, đảng viên còn chủ động nắm bắt tình hình, gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương.
Thực hiện nội dung đột phá sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, Đảng ủy đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế với nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, như: Cải tạo vườn tạp trồng nhãn chín muộn, xoài ghép ở bản Chai; nuôi cá ở bản Nặm Ún; trồng tỏi ở bản Đông Tấu; trồng dưa lưới, măng tây ở bản Luông Mé; nuôi gà thả vườn tại bản Thèn Luông... Trong đó, đảng viên là nhân tố tích cực đi đầu hỗ trợ hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn xã có trên 630 ha cây ăn quả, 60 ha rau màu, 80 ha tỏi; duy trì trên 6.680 con gia súc, 34.000 con gia cầm, 25 ha mặt nước nuôi thủy sản.
Ông Lò Văn Sum, bản Nặm Ún, xã Chiềng Đông chia sẻ: Trước đây, khu ruộng của gia đình chỉ gieo cấy được một vụ lúa. Nhận thấy nhu cầu cá giống tại địa phương khan hiếm, phải nhập từ địa phương khác, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, tôi đã cải tạo một số diện tích ruộng của gia đình chuyển thành ao chuyên ương nuôi và cung cấp cá giống cho bà con. Với 6 ao ương nuôi cá giống theo từng giai đoạn, trung bình mỗi năm, mô hình nuôi cá giống của gia đình cung cấp ra thị trường 60-70 vạn con cá giống các loại, trừ chi phí thu về gần 200 triệu đồng.
Thực hiện nội dung đột phá xây dựng NTM, Đảng ủy xã xác định rõ giải pháp, đề ra tiến độ cụ thể thực hiện từng tiêu chí. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng NTM từ xã đến các bản. Trong quá trình thực hiện, luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ vai trò trong xây dựng NTM, người dân vừa là chủ thể vừa là người hưởng lợi. Từ đó chung tay, góp sức xây dựng NTM bằng nhiều việc làm thiết thực, như hiến đất, tài sản trên đất, ngày công, kinh phí... để xây dựng các công trình, điển hình là làm đường giao thông, công trình thủy lợi, xây dựng nhà văn hóa...; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 70% nguồn vốn xây dựng NTM.
Ông Hoàng Văn Lái, bản Nhôm, cho biết: Với người nông dân, “tấc đất là tấc vàng”, gia đình tôi nhận thức nếu không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường của bản sẽ không đẹp và tăng thêm chi phí đóng góp cho bà con. Sau khi được sự vận động, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 700 m² đất để mở rộng tuyến đường. Nhờ đó, tuyến đường nội bản dài gần 2km được hoàn thành, thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, bà con nơi đây ai cũng phấn khởi.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng NTM, xã Chiềng Đông đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tới các bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học... Hiện nay, xã đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện bàn giao mặt bằng công trình cầu qua suối bản Hượn, nhà văn hóa bản Na Pản, lớp học Trường mầm non Bình Minh, trạm y tế xã, công trình mương phai Na Hứa, bản Chủm. Khảo sát sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nội bản Púng Khoai, Đông Tấu. Hiện, 100% các bản có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 91% số hộ được sử dụng nước sạch; 14/14 bản có đường giao thông kiên cố...; qua đó, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của xã có thể phát triển du lịch, như: Có nhiều mó nước nóng tự nhiên, nhiều cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống, đối với nội dung đột phá trong xây dựng điểm du lịch cộng đồng, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch gắn với các mó suối nước nóng tại bản Thèn Luông với diện tích trên 4 ha. Chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, trồng thêm các loại hoa dọc các tuyến đường để bản đẹp hơn, thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm. Dự kiến trong quý IV/2022, điểm du lịch cộng đồng này sẽ bắt đầu triển khai, mở ra hướng phát triển kinh tế mới kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa trên địa bàn.
Lựa chọn các nội dung đột phá phù hợp, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, việc học tập và làm theo Bác của Đảng bộ xã Chiềng Đông đã và đang có sức lan tỏa trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!