Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, ngày 11/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế của doanh nghiệp Nhà nước và đòi hỏi cần có đổi mới mạnh mẽ, nhất là trong công tác cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm.
Cùng dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, qua 10 năm thành lập, Đảng bộ Khối đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Trong 10 năm đó, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đóng góp từ 26 – 30% GDP, đóng góp một nguồn thu quan trọng cho đất nước, góp phần vào phát triển các hạ tầng lớn ở vùng sâu, vùng xa, an sinh xã hội.
Đứng trên giác độ chung nhất, chúng ta đã bảo tồn và phát triển vốn tại DNNN. Đặc biệt, DNNN là công cụ quan trọng của Nhà nước để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giữ nhịp độ tăng trưởng. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có quyền tự hào về thành quả mà Đảng bộ Khối và các Doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng trong Khối đã đóng góp vào ổn định và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh nhiều thành công, nhìn lại 10 năm thành lập, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập đã đi qua, đã vấp phải trong các doanh nghiệp Nhà nước để có những kinh nghiệm, bước đi tốt hơn trong thời gian sắp tới.
Thủ tướng cho rằng, bài học đầu tiên cần rút ra là công tác cán bộ. :"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, công tác cán bộ quyết định tất cả. Công tác cán bộ đúng, chuẩn xác, cán bộ không hư hỏng thì doanh nghiệp thành công” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ hai là công tác quản lý đầu tư và quản lý vốn. Những bài học kinh nghiệm như vay vốn lớn, đầu tư dàn trải, không quản lý tốt dẫn đến hậu quả xấu.
Về năng suất lao động tại các doanh nghiệp, nhìn chung là còn thấp so với thế giới cũng như các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Về xây dựng, phát triển thương hiệu, đi liền với đó là công tác quản trị doanh nghiệp cũng được Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp rút ra bài học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ở đây chúng ta có thể nói bài học trong nội bộ chúng ta. Hai anh cùng kinh doanh giống nhau, thậm chí điều kiện tốt hơn nhưng anh có điều kiện tốt hơn đó bị lỗ "chỏng gọng", tai tiếng. Là do cái gì?.
Thủ tướng cho rằng, chính là do công tác cán bộ, do cái tâm, cái tầm của người quản lý. Nếu biết đặt lợi ích chung lên trên, không tham ô, tiêu cực, không có tỷ lệ ăn chia trong đầu tư xây dựng, gương mẫu thì mới thành công. Còn nếu người lãnh đạo DNNN mà không rèn luyện, tu dưỡng, không đặt lợi ích chung lên trên thì thất bại là hiển nhiên.
Để các doanh nghiệp Nhà nước phát triển bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng đặt vấn đề và gợi mở một số định hướng, nhiệm vụ. Đó là tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó, đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất lao động, để khắc phục cho được những bất cập của DNNN.
Thủ tướng gợi mở, tiến bộ khoa học công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu với cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng về ý tưởng trong phát triển. Cho nên, DNNN phải đi tiên phong, là yêu cầu đầu tiên để hội nhập quốc tế. Yếu tố này nếu bỏ qua trong mọi vấn đề kinh doanh thì đều thất bại.
Phải nâng cao vai trò và năng lực cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đi liền với đó là chất lượng xây dựng Đảng, bảo đảm trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), trong đó phải chống 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và không thể quên một truyền thống, nghĩa cử tốt đẹp của các đơn vị trong Khối là đóng góp bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, quá trình cổ phần hóa cần làm theo lộ trình, chống thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo báo cáo tại Lễ kỷ niệm, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương từ khi thành lập có 28 Đảng bộ trực thuộc với trên 36.000 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Khối có 35 Đảng bộ với trên 1.100 tổ chức cơ sở đảng và gần 81.000 đảng viên. Các DN trong Khối hằng năm đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia, bảo đảm đời sống và việc làm cho gần 1 triệu lao động.
Trong 10 năm qua, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng dành gần 31.000 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!