"Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện Quỳnh Nhai đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng hàng hóa. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn địa phương.

Bà Vì Thị Tiến, Trưởng ban Dân vận huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình. Giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã xây dựng được 75 mô hình tập thể, 59 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực, trong đó có 26 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế đã phát huy hiệu quả, được nhân rộng.

             

Cán bộ xã Mường Giôn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc dứa nguyên liệu.

             

Mô hình trồng cây sa nhân tại bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và trồng cây dược liệu của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Chiềng Khay; mô hình trồng su su của tập thể Hội LHPN xã Chiềng Khay; mô hình trồng chè, cà phê của gia đình ông Mùa A Tủa, bản Hua Lỷ, xã Chiềng Khoang với diện tích 5 ha cà phê, 1,5 ha chè cho thu hoạch, với thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/năm... Nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Mường Giàng, Chiềng Ơn, Mường Giôn, Chiềng Khay đã chuyển đổi trên 100 ha đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La.  

             

 Mường Giàng là một trong những xã của huyện Quỳnh Nhai đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với mô hình trồng cây cỏ ngọt, sa nhân và sả java. Ông Lò Văn Thiên, Trưởng bản Bung Lanh, xã Mường Giàng cho biết: UBND xã Mường Giàng đã phối hợp với cơ sở sản xuất và chế biến tinh dầu Quỳnh Sơn đưa cây sả java vào trồng thử nghiệm tại đây. Từ 1 ha trồng thí điểm đến nay cả bản đã có trên 10 ha sả java được trồng xen với cây sắn; năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm, cho thu nhập 20-30 triệu đồng/năm từ trồng sả và 20 triệu đồng từ trồng sắn. Còn ông Vừ A Dơ, Trưởng bản Phiêng Ban phấn khởi: Ngoài duy trì diện tích lúa ruộng, trồng ngô, bản đã trồng hơn 50 ha cây sa nhân, 12 ha chè, gần 10 cây ăn quả. Bản có 75 hộ, đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo.

             

Ông Đặng Sỹ Định, Chủ tịch UBND xã Mường Giàng, nói: Toàn xã hiện có 75 hộ trồng sa nhân với quy mô 55 ha, 10 ha sả java, 1 ha cỏ ngọt. Hiện, HTX Thảo Mộc đang liên kết với một số hộ nông dân trên địa bàn để mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt. Năm 2020, sản phẩm trà cỏ ngọt đã được chọn là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, cung ứng cho các cửa hàng dược phẩm trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dứa nguyên liệu cung cấp cho Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Sơn La.

             

Tại xã Mường Giôn, từ tuyên truyền, vận động, người dân chuyển đổi đất trồng cây hoa màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng trên 200 ha cây ăn quả các loại, trên 150 ha quế. Bên cạnh đó, xã xây dựng được 2 mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới ẩm và tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isaren do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện, quy mô 1 ha/mô hình, với cơ cấu giống cây bưởi và xoài; có 5 mô hình nông lâm kết hợp, với quy mô gần 20 ha, 70 hộ tham gia do Dự án Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững phối hợp triển khai. HTX Mường Giôn trồng 17 ha chuối cấy mô và 8 ha xoài, 15 ha mít Thái. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, thông tin: Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang trồng mắc ca và các loại cây ăn quả khác.

             

Mô hình trồng sả của người dân bản Bung Lanh, xã Mường Giàng.

             

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển thủy sản; phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả” là một trong 3 khâu đột phá. Theo đó, giải pháp được huyện đề ra là: Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển diện tích cây ăn quả tập trung, cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tất cả các xã. Phấn đấu đến năm 2025, trồng mới từ 2.500 ha dứa giống mới; từ 1.500 ha cây ăn quả lâu năm với các loại cây trồng chủ lực như: Xoài, nhãn chín muộn, mắc ca…; phát triển cây dược liệu (chủ yếu là sa nhân cao sản) trên diện tích rừng của các xã.

             

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đang tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích nông hộ sử dụng giống cây trồng mới có chất lượng cao gắn với việc chọn lọc, bảo tồn, nhân diện các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao… Đây được xem là cơ hội để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế thu được kết quả với những mô hình cây trồng mới cho năng suất, hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới