“Bốn tự“ để miễn dịch trước cám dỗ

Sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về thực hành tự phê bình và phê bình. Bác coi tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau. Tự phê bình và phê bình để phát huy dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn. Nhiều lần Người nói và viết về vấn đề này, thường đặt mệnh đề “tự phê bình” lên trước phê bình.

Giữ mình cho sạch, trong sáng

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho chúng ta thấy rõ được ý nghĩa sâu sắc của việc tự phê bình, trước phê bình. Bác chỉ rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, đảng viên có chức, có quyền nếu không nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng rất dễ nảy sinh những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quan liêu, xa rời quần chúng... Đảng viên cũng là con người, không phải là thánh thần, có hoạt động thì khó tránh khỏi sai lầm, ai cũng có cái tốt, cái xấu, chỉ khác nhau ở chỗ nặng hay nhẹ và trạng thái biểu hiện của nó, nhưng đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu.

Đảng ủy xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu họp kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Bác Hồ quan niệm: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Bác chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Khi có sai lầm thì phải tự phê bình và phê bình, phê bình rồi thì phải sửa chữa. Người viết: “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”.

Bản thân tự phê bình mình trước là để Tự soi - Tự sửa - Tự rèn luyện - Tự miễn dịch với cám dỗ. Bởi trước mọi hoàn cảnh, chính bản thân là người quyết định hành vi của mình. Không phủ nhận những tác động của ngoại cảnh, nhưng nếu bản thân không muốn làm thì đứng trước họng súng cũng không khuất phục, thì cám dỗ vật chất có là gì. Những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cũng chứng minh tính chân lý, yêu cầu tất yếu của việc tự phê bình.

Trong thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không vượt qua được cám dỗ, vi phạm về đạo đức, lối sống, thậm chí có cả những đảng viên giữ chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật, vào vòng lao lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng.

Tại Sơn La, thời gian qua vẫn có một số ít cán bộ là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu vi phạm phải giải trình, xem xét trách nhiệm, nhận hình thức kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống. Các vi phạm chủ yếu về: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; nói, làm trái nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; phẩm chất đạo đức, lối sống...

Một trong những nguyên nhân của những vi phạm nêu trên là do việc tự phê bình và phê bình của một số ít tổ chức đảng và đảng viên chưa được thực hiện nghiêm túc, còn nể nang, né tránh, “ngại va chạm” dẫn đến không kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm ngay từ lúc mới manh nha; đến khi thiếu sót, khuyết điểm trở thành vi phạm mới được phát hiện, xử lý. Khi tự phê bình trước tổ chức đảng, một số đảng viên còn thiếu tự giác, thiếu thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm mà thường quanh co, đổ lỗi cho điều kiện khách quan, cho tập thể. Ngoài những nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan quyết định là do chính bản thân cán bộ, đảng viên không làm tốt tự phê bình nên không đủ bản lĩnh, không vượt qua cám dỗ.

Trong tự phê bình và phê bình, bản thân chưa tốt thì khó mà phê bình người khác, lời nói thiếu trọng lượng, không được người khác tiếp thu, thậm chí còn bị phản hồi theo hướng tiêu cực. Bản thân mình có tốt, có uy tín thì phê bình người khác thì mới thuyết phục, “danh có chính thì ngôn mới thuận”. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải giữ mình cho sạch, trong sáng mới làm được. Nếu tay đã nhúng chàm không làm được đâu và có làm cũng không ai nghe”; tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”.

Đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương

Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc xây dựng Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là “vũ khí sắc bén” để uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chủ quan, nóng vội, duy ý chí; giúp nhận rõ những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm... nhằm mục đích để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, biểu hiện thứ 5 trong nhóm 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.

Sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm: Còn một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện ngại học, lười học, ngại nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, chất lượng học tập, nghiên cứu không cao... Một số cán bộ, đảng viên thiếu ý chí phấn đấu, chưa thực sự gương mẫu trong công tác, chưa tích cực nghiên cứu, học tập, rèn luyện; làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp, chọn việc, chọn vị trí công tác; ngại khó, ngại khổ, không gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước. Còn có cán bộ, đảng viên phát ngôn thiếu thận trọng, nói không đi đôi với làm; ý thức tự phê bình và phê bình nể nang, né tránh, ngại va chạm; không dám đấu tranh thẳng thắn, chính danh mà gửi đơn thư nặc danh; thông tin một chiều gây dư luận không tốt.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, tác động không nhỏ tới tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình là yêu cầu cấp bách của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. “Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày” theo lời Bác khuyên. Mỗi tổ chức đảng, đảng viên coi tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên và nghiêm túc; nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, làm rõ những ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất những biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm... được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà “Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.

Thực tiễn cho thấy, khi cấp trên thực sự có thái độ cầu thị trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, dám thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân, dũng cảm nói thẳng, nói thật, tự phân tích những hạn chế, khuyết điểm của mình, không định kiến, trù dập người phê bình và có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ân cần với cấp dưới để cùng tiến bộ thì cấp dưới mới dám mạnh dạn, thẳng thắn phê bình cấp trên, phê bình đồng chí, đồng nghiệp và tự phê bình bản thân.

Ngược lại, nếu thực hiện công tác này không tốt sẽ dẫn đến tình trạng “dĩ hòa vi quý”, bao che, né tránh khuyết điểm, biết đúng không bảo vệ, biết sai không đấu tranh. Do vậy, cán bộ chủ chốt, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình; “người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa”.

Người có chức vụ cao, nhất là người đứng đầu không nghiêm thì cấp dưới không nể phục, không tuân theo, nếu có tuân theo thì cũng miễn cưỡng, mất đoàn kết. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”. Ngược lại, người lãnh đạo có tâm, có tầm, có uy tín sẽ lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giám sát tại huyện Bắc Yên.

Yêu cầu về nêu gương, Ban Chấp hành Trung ương có Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định: “Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương đó phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có Quy định số 889-QĐ/TU ngày 28/5/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La có Quy định số 349-QĐ/TU ngày 17/3/2022 về quy định trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 24/3/2022 về nâng cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi tập thể là tập hợp từ những cá nhân. Mỗi đảng viên đều tốt thì chi bộ sẽ tốt, mỗi chi bộ tốt thì tổ chức đảng sẽ vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao uy tín và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Bên cạnh việc thực hiện thường xuyên, nghiêm túc của cấp ủy, tổ chức đảng thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu; biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên phải tự giác, gương mẫu tự phê bình và phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình để có “đất” cho chân - thiện - mỹ sinh sôi nảy nở, đẩy lùi dần cái xấu, cái ác, sự ích kỷ, vô cảm.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới