Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để “nắm chắc”, “quản chặt”

Tài nguyên đất là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đối với tỉnh tỉnh Sơn La việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để tăng cường quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm "nắm chắc", "quản chặt", góp phần thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu.

Nỗ lực xây dựng dữ liệu đất đai

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, phục vụ xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số là xu thế tất yếu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn giúp kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu đất đai với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quốc gia hàng đầu, làm nền tảng, công cụ quản trị quốc gia hiện đại được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, thể hiện xuyên suốt trong các văn bản điều hành. 

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Giai đoạn 2008-2023, tỉnh Sơn La ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên 33,5 tỷ/3.367 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của tỉnh, đạt 0,6%. Trên cơ sở đó, tỉnh đã lập, điều chỉnh Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy 57/204 xã, với diện tích trên 91.000ha, đạt 19,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy, diện tích đo lập bản đồ địa chính chính quy của tỉnh rất thấp, mới đạt 6,5% so với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.

Thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, tỉnh Sơn La đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của 8 huyện, thành phố. Trong đó, 6 huyện thực hiện theo Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai vay vốn ngân hàng Thế giới (VILG); 3 huyện, thành phố thực hiện theo Dự án tổng thể (huyện Mai Sơn có 14/22 xã thực hiện Dự án VILG, 8/22 xã, thị trấn thực hiện Dự án tổng thể).

Còn 4 huyện chưa đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, gồm: Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp, nhưng hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng, cập nhật dữ liệu trên cơ sở giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. 

Cán bộ Phòng Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường xem bản đồ đất đai.

Khó khăn trong triển khai

Ông Phạm Bá Di, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Sơn La, thông tin: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của dự án VILG của 6 huyện thực hiện trên cơ sở các tài liệu hồ sơ đo đạc từ các thời kỳ trước đây, gồm bản đồ giải thửa, hồ sơ giao đất, bản đồ địa chính đo đạc theo hệ tọa độ HN-72 với hồ sơ toàn bộ là dạng giấy, chưa đáp ứng việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là với dữ liệu không gian địa chính, phải thực hiện theo phương pháp định vị trên không gian nền.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đạt thấp được Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ra là do thiếu ngân sách, nhân lực thiếu biên chế, bố trí chuyên môn chưa phù hợp. Cụ thể, qua thống kê, rà soát có 44 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã được bố trí chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm; 93 người có khối lượng công việc được giao quá tải so với vị trí việc làm, dẫn đến thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ, để đáp ứng nhiệm vụ được giao. 

Đồng thời, tỉnh Sơn La gặp khó khăn đối với đất nông, lâm trường. Theo đó, Đề án quản lý đất nông lâm trường, các nông, lâm trường tỉnh Sơn La được hình thành từ những năm 1954, gồm: 4 nông trường, 7 lâm trường, với tổng diện tích khoảng 42.300ha. Thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, đến nay, toàn tỉnh còn 8 đơn vị, tổ chức, tổng diện tích trên 36.000 ha. Trong đó, hơn 17.400ha đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại tiếp tục sử dụng; hơn 18.500ha đất đã bàn giao về địa phương quản lý.

Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, năm 2013, Sơn La đo đạc, xác định, cắm mốc ranh giới sử dụng đất, đo đạc khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, lập hồ sơ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp. Song, kết quả đo đạc chỉ đo khoanh bao tỷ lệ 1/10.000, dẫn đến chưa rà soát, xác định từng loại đất chi tiết; khi rà soát bàn giao cho địa phương chưa bàn giao hết các loại đất theo quy định; không phản ánh đúng hiện trạng, không tách được đất sản xuất nông nghiệp, đất ở xen kẽ của các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi diện tích đất đã giao cho các tổ chức, nên các hộ dân tự trồng trọt, canh tác, lấn, chiếm của các nông, lâm trường.

Đối với đất bàn giao về cho địa phương quản lý, 5/8 huyện đã lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai 7/11 thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhưng còn thiếu hạng mục xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Còn 3 huyện Sông Mã, Quỳnh Nhai, Mường La và một phần diện tích của Vân Hồ chưa lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo phạm vi của Đề án quản lý đất nông lâm trường được UBND tỉnh phê duyệt, Sơn La cần thực hiện điều chỉnh 7 thiết kế kỹ thuật - dự toán của 5 huyện đã phê duyệt (bổ sung hạng mục xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai); lập mới 4 thiết kế kỹ thuật - dự toán với phần đất bàn giao về cho địa phương. 9 thiết kế kỹ thuật - dự toán về xác định ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới; đo vẽ bản đồ địa chính; cấp giấy chứng nhận; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên đang quản lý, sử dụng chưa được lập, thẩm định và phê duyệt.

Diện tích đã đo lập bản đồ địa chính chính quy tỉnh Sơn La mới đạt 6,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh

Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, trong cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đầu tháng 3 vừa qua, Bộ TN&MT cho rằng, UBND tỉnh Sơn La cần tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ đất đai và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông gắn với chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bảo đảm kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xem xét, ưu tiên bố trí đủ kinh phí hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia ở địa phương theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế tại Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin: Hằng năm, tỉnh Sơn La cân đối, bố trí 10% nguồn thu từ đất thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Tuy nhiên, nguồn thu từ đất rất hạn chế, là tỉnh miền núi khó khăn nên số thu từ đất còn phải cân đối, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.

Hiện nay, nguồn kinh phí bố trí thực hiện dự án tổng thể và đề án nông, lâm trường là rất khó khăn. Trong khi, các nông trường nằm trên các địa bàn phức tạp, là khu vực đô thị, du lịch Mộc Châu, Mai Sơn... cần thiết phải triển khai ngay đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, sớm giải quyết các vướng mắc tồn tại liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, năm 2024, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho tỉnh triển khai dự án tổng thể và đề án nông, lâm trường trên địa bàn, với tổng kinh phí trên 339 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đề nghị hỗ trợ với dự án tổng thể hơn 239 tỷ đồng; kinh phí đề nghị hỗ trợ đề án nông lâm trường 100 tỷ đồng.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu đất đai được kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính. Với ý nghĩa đó, rất mong Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, sớm giải quyết kiến nghị hỗ trợ ngân sách để tỉnh Sơn La đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới