Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Bắc Yên có nhiều hợp tác xã được thành lập, áp dụng những cách làm mới, liên kết sản xuất hiệu quả, giúp tăng thu nhập cho thành viên, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Với nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân, năm 2020, HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu được thành lập, với 8 thành viên đều là đồng bào dân tộc Mông ở bản Cáo A, xã Làng Chếu. Đến nay, HTX xây dựng 2 sản phẩm miến dong khô, miến dong tươi đạt OCOP 3 sao; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương.
Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX, cho biết: HTX đầu tư nhà xưởng 200m2, máy sấy quả sơn tra và dây chuyền sản xuất tinh bột, miến dong, mỗi năm bao tiêu hơn 2.000 tấn quả sơn tra và dong riềng cho nhân dân trong xã. Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho các hộ, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Doanh thu mỗi năm đạt từ 600-700 triệu đồng.
Còn tại xã Tà Xùa, hiện có khoảng 300 ha cây chè Shan tuyết; trong đó, 40 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh; sản lượng chè búp tươi đạt trên 500 tấn/năm. Hiện nay, có 3 sản phẩm của Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và sản phẩm trà sương tuyết cổ thụ - truyền thống của HTX nông nghiệp và bảo tồn văn hóa dân tộc - Pla được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Mùa A Lệnh, Giám đốc HTX nông nghiệp và bảo tồn văn hóa dân tộc - Pla, cho biết: HTX có 17 thành viên, trồng hơn 18 ha chè theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, HTX còn trồng 5 ha khoai sọ núi, sản lượng hơn 20 tấn/năm, sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích chè và khoai sọ; đồng thời, liên kết với các hộ kinh doanh dịch vụ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đến với nhân dân, du khách, từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Hiện nay, huyện Bắc Yên có 32 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ hơn 36 tỷ đồng, với trên 279 thành viên; hoạt động chủ yếu về lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh chè; kinh doanh, dịch vụ vật tư nông nghiệp; trồng cây dược liệu... Các cơ quan chuyên môn của huyện luôn đồng hành, hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các HTX; khuyến khích, định hướng đầu tư hệ thống tưới tiêu, dây chuyền sản xuất hiện đại; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chăm sóc, chế biến. Toàn huyện có 234 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước; 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Các HTX tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo hướng chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Với việc khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các HTX nông nghiệp đã khẳng định hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!