Thời gian gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp như nắng nóng kéo dài gây ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực; mưa lớn kéo dài gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét... Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Khắc phục sự cố sạt lở đá trên Quốc lộ 279D.
Trong 7 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chịu ảnh hưởng của 12 đợt không khí lạnh; 2 đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng; 2 đợt nắng nóng diện rộng; 9 đợt mưa lớn trên diện rộng. Thiên tai đã làm 3 người chết, 13 người bị thương; 776 nhà bị thiệt hại; 600 ha lúa, 52,67 ha mạ, 76,43 ha hoa màu và rau màu bị hư hại; 206,5 ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại; 2.307 con gia súc bị chết... Ước giá trị thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh và các cấp đã chỉ đạo kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật phòng, chống thiên tai; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức diễn tập theo phương án được phê duyệt. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, thiên tai thì luôn diễn biến khó lường, trong khi đó những tác động, thiệt hại do thiên tai gây ra luôn rất nặng nề. Vì vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cần phải được chú trọng và tập trung trên cơ sở chủ động phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Qua các đợt ảnh hưởng của thiên tai cho thấy, địa phương nào chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” thì sẽ ứng phó hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phương án “4 tại chỗ” này không chỉ của các cấp, ngành mà cần được thực hiện ngay trong mỗi gia đình. Đây chính là yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống thiên tai ở các địa phương.
Thời gian gần đây, bên cạnh những đợt nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi còn xuất hiện những trận mưa lớn trên địa bàn không theo quy luật cũng đã gây ngập úng, sạt lở đất. Thiên tai được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai góp phần ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn, các cấp, ngành cần thực hiện tốt Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 17/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành.
Tiếp tục tổ chức rà soát, bố trí, sắp xếp dân cư di dời khỏi vùng thiên tai. Điều tra hiện trạng về lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối; điều tra, đánh giá hiện trạng lòng dẫn, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ suối và đề xuất giải pháp phòng chống sạt lở. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống công trình thủy lợi; có kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng; lập phương án cụ thể phòng chống hạn hán, đảm bảo an toàn tuyệt đối với các hồ chứa, an toàn công trình trong mùa mưa lũ, đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!