Từng bước nâng cao đời sống nhân dân

Từng bước giảm nghèo, nâng cao cuộc sống cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã vùng III biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Giọng nữ
Nhân dân bản Nà Pồng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, chăm sóc cây cà phê.

Phiêng Pằn có 17 bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Xinh Mun; địa hình đồi núi dốc, đi lại khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 40%... Bà Lò Thị Phiên, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, cho biết: Hằng năm, xã đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Bản Nà Pồng có 96 hộ, 427 nhân khẩu. Tận dụng lợi thế về đất đai, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân thâm canh lúa nước, trồng cà phê và các loại cây phù hợp để tăng thu nhập. Ông Vì Văn Pằn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Hiện nay, bà con trong bản duy trì hơn 4 ha lúa nước; trồng 45 ha cà phê, gần 5 ha ngô; chăn nuôi trên 500 con gia súc và hàng nghìn con gia cầm các loại. Năm 2023, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong bản đóng góp vật liệu và trên 500 ngày công đổ bê tông 1 tuyến đường vào bản, chiều dài 1,3 km; giúp 3 hộ nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2024, bản phấn đấu hỗ trợ cho 2 hộ thoát nghèo; hoàn thành đổ bê tông 3 tuyến đường, tổng chiều dài 1km.

Gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của bản, tích cực phát triển kinh tế gia đình, ông Vì Văn Cằm, bản Nà Pồng, cho biết: Được cán bộ của xã, bản tuyên truyền, hướng dẫn trồng các loại cây có giá trị kinh tế, từ năm 2022 đến nay, gia đình trồng 2 ha cà phê, gần 1 ha ngô, thu nhập gần 250 triệu đồng/năm.

Bản biên giới Ta Lúc có 128 hộ, với 587 nhân khẩu, đường đến trung tâm xã 19 km, hoàn toàn là đường đất, đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Ông Lò Văn Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ta Lúc, cho hay: Cả bản đang thâm canh 8,5 ha lúa 2 vụ; 16,8 ha ngô, sắn; hơn 22 ha mía, 6 ha cây xoài, nhãn; bảo vệ hơn 287 ha rừng tự nhiên, trong đó, chăm sóc 62,6 ha rừng sản xuất; chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò, lợn, dê. Nhà văn hóa của bản được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân nâng cao đời sống văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của bản giảm 3-4 hộ/năm.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đến nay, xã Phiêng Pằn có trên 70% tuyến đường giao thông nội bản, liên bản được bê tông hóa; hệ thống mương thủy lợi được đầu tư, nâng cấp sửa chữa kiên cố, từng bước đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, gieo trồng 1.894 ha cây lương thực; 688 ha mía, 42 ha sắn; 238 ha cây cà phê; 355 ha cây ăn quả; 37,5 ha cỏ voi. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, với tổng đàn gia súc gần 12.500 con, đàn gia cầm trên 35.000 con...

Bên cạnh đó, gần 1.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, sinh viên vay gần 54 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, có việc làm, tăng thu nhập. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 4,5%/năm; trên 98% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 98% số hộ được xem truyền hình. Văn hóa - xã hội được quan tâm chú trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Xã đạt 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Xã Phiêng Pằn đang tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Nhà nước và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới