Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai

Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, trái với quy luật thông thường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân.

Giọng nữ

Thiên tai bất thường

Trên thực tế, những năm qua, tỉnh ta đã chịu ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh, nhiều đợt rét đậm, rét hại, băng giá, mưa đá, cũng như các đợt mưa lũ, giông lốc... làm hàng trăm người tử vong và bị thương; gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 1 đợt rét đậm, 4 đợt giông lốc kèm theo mưa đá, làm 1 người chết, 3 người bị thương, hư hỏng 6.130 nhà ở, 27 điểm trường, 2 cơ sở y tế; thiệt hại gần 2.782 ha cây trồng, tổng giá trị thiệt hại hơn 106 tỷ đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ huy các lực lượng huyện Phù Yên tìm kiếm người mất tích do mưa lũ.

Tại huyện Phù Yên, trận giông lốc kéo dài chưa đầy 20 phút vào chiều tối 20/4, kéo theo mưa rất to, gió mạnh cấp 11, giật cấp 11 đã gây tốc trên 3.400 mái nhà của các hộ dân và trụ sở cơ quan làm việc, trường học; làm đổ cây xanh đô thị, trên 200 ha cây hoa màu; gẫy đổ 11 cột trên đường dây 110 kV; 4 đường dây trung thế gồm 3 đường dây 35 kV và 1 đường dây 22 kV đều gặp sự cố. Toàn huyện, khoảng 60.000 hộ bị mất điện. Sau đó, việc khắc phục sự cố thiên tai phải mất gần 3 ngày, gây ảnh hưởng lớn đời sống, sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp.

Sau đó không lâu, ngày 24/4, tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ xảy ra trận mưa đá. Trong khoảng 30 phút, mưa dày hạt, kích cỡ hạt mưa đá to, đã gây thiệt hại trên 640 ha cây trồng, thiệt hại 144 nhà ở; tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 2,85 tỷ đồng.

Thiên tai xảy ra bất ngờ đã gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản của nhân dân và hệ thống cơ sở hạ tầng các địa phương bị ảnh hưởng. Các đợt thiên tai diễn ra trái với quy luật hằng năm gây nhiều khó khăn cho công tác chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả. Bởi vậy, việc vận dụng phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực cảnh báo sớm, đóng vai trò quan trọng trong hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phương châm “4 tại chỗ”

Phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, các địa phương đã chủ động rà soát, kiện toàn ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, thông tin và phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ. Rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, có phương án di dời nhân dân đến nơi an toàn. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới. Rà soát, kiện toàn 204/204 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với hàng chục nghìn người tham gia. Đồng thời, rà soát các điểm an toàn từng địa bàn, nếu có thiên tai xảy ra sẽ di dời nhân dân đến ở kịp thời.

Hiện nay, huyện Bắc Yên có gần 1.000 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai phải di chuyển. Từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai 6 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, kinh phí gần 132 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đến nay, 4/6 dự án đã hoàn thành, hoàn thành một phần, đưa trên 300 hộ di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, một số điểm dân cư chưa đồng thuận việc di chuyển, do còn vướng mắc đến đất nông nghiệp, lâm nghiệp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn gặp khó khăn. UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể từng giai đoạn, thực hiện dự án kết hợp với hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất các hộ thuộc diện di chuyển.

Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đầu tư sửa chữa, xây mới trên 2.200m kè chống sạt lở bờ suối bảo vệ khu dân cư; triển khai 19 dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai 871 hộ; tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại 21 xã, với 1.146 người tham gia...

Chủ động phòng, chống thiên tai

Theo dự báo trong năm 2024, tình hình thiên tai tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, xu thế các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới sẽ có khoảng từ 7-10 cơn, gây mưa lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Sơn La.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đã chỉ đạo tại cuộc họp Tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024: Các địa phương, công an, quân đội và ngành chức năng rà soát, thống kê các phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần bổ sung. Tăng cường tuyên truyền, thông tin đến nhân dân về tình hình thời tiết; chủ động cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở. Bố trí các điểm tái định cư đảm bảo an toàn, nếu xảy ra thiên tai sẽ di dời nhân dân đến ở, nhanh chóng ổn định đời sống và phát triển kinh tế sau thiên tai.

Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai được tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên mạng xã hội: Facebook, zalo...; lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị của các xã, phường, thị trấn, các tổ, bản, tiểu khu... Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, các mô hình, bài học kinh nghiệm tại cộng đồng về phòng chống thiên tai...

Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó bão lũ, tìm kiếm cứu nạn.

Bên cạnh đó, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng do Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thuê bao gồm 45 trạm đo mưa tự động, 5 trạm thủ công đo mực nước và cảnh báo lũ; 2 trạm quan trắc khí tượng tự động phục vụ quan trắc dự báo, cảnh báo mưa lớn, rét đậm, rét hại, băng giá tại Bắc Yên và Vân Hồ. Ngoài ra, toàn tỉnh có 43 đập, hồ chứa thủy điện và 27 đập, hồ chứa thủy lợi đã triển khai lắp đặt thiết bị và thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, thời gian dự báo, cảnh báo trước từ 24-48 giờ, phục vụ công tác phòng tránh thiên tai đối với các địa phương trên khu vực Tây Bắc.

Ông Cầm Bun Păn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Hằng năm, đơn vị tổ chức kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ; rà soát lại các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình; chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư... sẵn sàng ứng phó cho các tình huống mất an toàn của đập theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đang tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong PCTT&TKCN, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới