Thuận Châu là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp, công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ rừng và nhân dân.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng, hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của huyện và các xã. Đồng thời, phối hợp với các xã, bản xây dựng nội quy, quy ước và hương ước bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và PCCCR; bảo đảm các nhu cầu phục vụ đời sống của nhân dân có tác động đến rừng đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, các chính sách phát triển lâm nghiệp, tạo thêm sinh kế cho người dân từ nghề rừng được triển khai hiệu quả; toàn bộ diện tích rừng được giao cho tổ chức, cộng đồng và hộ gia đình quản lý, rừng được bảo vệ tốt hơn, số vụ vi phạm giảm, chất lượng rừng được nâng lên, nhiều diện tích đất trống, đồi trọc từng bước được phủ xanh bởi rừng trồng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Cương, Hạt Trưởng Hạt kiểm lâm huyện, cho biết: Theo kết quả rà soát đất quy hoạch lâm nghiệp vừa được UBND tỉnh công bố và được tích hợp vào quy hoạch tỉnh đến năm 2023, trên địa bàn huyện Thuận Châu có gần 74.098 ha đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó, hơn 16.236 ha đất rừng đặc dụng, hơn 37.000 ha đất rừng phòng hộ và gần 20.861 ha đất rừng sản xuất. Đây là cơ sở hết sức quan trọng, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, để lực lượng kiểm lâm tiếp tục lập kế hoạch và phương án, tham mưu việc giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm ổn định, lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, với 29 xã, thị trấn; trong khi đó, lực lượng mỏng, một cán bộ kiểm lâm phải phụ trách nhiều xã, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ và triển khai các phương án PCCCR. Khắc phục những khó khăn, hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu, tổ chức kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã và phối hợp với ban quản lý các bản đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chấp hành quy định của pháp luật, hướng dẫn sản xuất nương rẫy và vận động bà con tham gia bảo vệ, PCCCR và phát triển rừng.
Anh Lò Văn Trọng, cán bộ kiểm lâm phụ trách xã Co Tòng, Pá Lông, Tông Lạnh và Chiềng Pấc, chia sẻ: Do địa bàn phụ trách rộng, nên vai trò của kiểm lâm địa bàn hết sức quan trọng, ngoài việc tuyên truyền bà con thực hiện tốt quy định, hương ước, quy ước bảo vệ, PCCCR, thì phải thường xuyên củng cố 32 tổ đội bảo vệ rừng PCCCR của các bản; kiểm tra, rà soát, tu sửa các công trình bảo vệ rừng, bổ sung phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra.
Cùng với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, công tác phát triển rừng được quan tâm triển khai hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ huyện, giai đoạn 1999-2024, các chương trình, dự án đã trồng mới hơn 9.700 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất và khoanh nuôi tái sinh gần 21.184 ha rừng.
Đặc biệt, với việc bảo vệ tốt diện tích rừng, hằng năm, các chủ rừng trên địa bàn huyện được chi trả hàng tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Tính riêng năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả gần 20,9 tỷ đồng cho 3.182 chủ rừng trên địa bàn huyện. Đây là nguồn tài chính ngoài ngân sách, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, hỗ trợ sinh kế, giúp bà con có điều kiện xây dựng hàng nghìn mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu, cây ăn quả dưới tán rừng, tạo thêm nhiều việc làm, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao của huyện.
Phổng Lái là điểm sáng trong thực hiện công tác bảo vệ và PCCCR của huyện Thuận Châu. Hiện nay, xã có hơn 5.600 ha rừng được giao cho 525 chủ rừng, tỷ lệ che phủ đạt 59%. Ông Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách về bảo vệ rừng đã tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của nhân dân, năm 2023, xã được chi trả hơn 3,1 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao chất lượng rừng, phát huy vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng, tham mưu cho huyện chỉ đạo, triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng, bảo đảm người dân có thu nhập ổn định từ nghề rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!