Trước đây, Pá Khoang là một trong những bản khó khăn nhất của xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, nỗ lực vươn lên. Đời sống của 55 hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đang từng ngày khởi sắc.
Đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Mùa A Tộng, anh chia sẻ: Từ năm 2019, gia đình tôi trồng 4 ha sắn cao sản; nuôi 50 con trâu, bò, ngựa sinh sản. Ngoài bán gia súc cho các thương lái, gia đình còn cung cấp giống cho bà con có nhu cầu phát triển chăn nuôi. Mỗi năm, bán 10-12 con trâu, bò, ngựa giống và bán thịt, tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo.
Cách nhà anh Tộng không xa, anh Mùa A Của cũng trồng 3 ha sắn cao sản, hơn 1,5 ha ruộng lúa, làm thêm nghề rèn. Anh Của cho biết: Mỗi tháng, tôi rèn được từ 30-40 sản phẩm, chủ yếu là các loại dao đi rừng, bán từ 250-400 nghìn đồng/sản phẩm, thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Mỗi năm còn thu gần 30 tấn sắn, 7 tấn thóc, trừ chi phí, thu trên 170 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn, có điều kiện để mua sắm đồ dùng phục vụ đời sống và sản xuất.
Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, Chi bộ, Ban quản lý bản Pá Khoang đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Mừng nhất là năm 2020, đường đến bản được đầu tư mở rộng, có điện lưới quốc gia; xây dựng điểm trường mầm non, tiểu học khang trang. Ngoài ra, Đồn biên phòng Mường Lèo còn hỗ trợ đổ bê tông 5 km đường liên bản, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Giúp nhân dân có vốn phát triển kinh tế, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của bản nhận ủy thác trên 1 tỷ đồng của Ngân hàng CSXH huyện cho 31 hộ vay để phát triển sản xuất.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sồng A Dua, cho biết: Hiện nay, các hộ dân trong bản trồng 5 ha cây ăn quả, 62 ha cây lương thực có hạt, 52 ha sắn, bảo vệ hơn 400 ha rừng tự nhiên, hằng năm, nhân dân được nhận gần 160 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, bản có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và đang được nhân rộng.
Trong chăn nuôi, bà con đã quan tâm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc; phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại định kỳ 4 lần/năm; làm chuồng trại kiên cố, chống rét cho gia súc vào mùa đông và chăn thả trên phiêng bãi khi thời tiết thuận lợi; trồng hơn 2 ha cỏ voi để lấy thức ăn cho trên 900 con gia súc. Ngoài ra, còn nuôi hơn 300 con lợn giống địa phương và trên 1.000 con gia cầm... Kinh tế phát triển, bản có trên 30% số hộ khá; nhiều hộ có thu nhập từ 120-200 triệu đồng/năm. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có 3-5 hộ thoát nghèo.
Bên cạnh đó, bà con tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc tổ chức lễ cưới mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông nhưng văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Đám hiếu tổ chức gọn nhẹ, không tốn kém. Bản đã thành lập 4 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 1 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. 100% số hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình. Lớp học cắm bản từ mẫu giáo đến tiểu học; nhà văn hóa bản được xây dựng kiên cố; có sân thể thao phục vụ bà con luyện tập hằng ngày.
Chia tay bản Pá Khoang, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sồng A Dua chia sẻ thêm: Cuộc sống của nhân dân bản Pá Khoang đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn mới đang khởi sắc. Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, bản sẽ tiếp tục được hỗ trợ kỹ thuật, giống để trồng hơn 10 ha xoài ghép chín muộn và mở rộng mô hình nuôi dúi sinh sản. Tin rằng, nhân dân bản Pá Khoang sẽ đồng lòng, chung sức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!