Ngày 21/5/1974, lực lượng Kiểm lâm Sơn La được thành lập, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, lực lượng kiểm lâm Sơn La luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
50 năm qua, kể từ ngày thành lập, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Dù trong hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn lực lượng cũng luôn đoàn kết, thống nhất, làm tốt công tác tham mưu, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ và thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp. Ngày đầu thành lập, đội ngũ chỉ có 80 cán bộ, trong đó 3 kỹ sư, 26 trung cấp, còn lại là công nhân lâm nghiệp, bộ đội, học sinh được bồi dưỡng nghiệp vụ; với 4 phòng, 7 hạt kiểm lâm cấp huyện. Đến nay, hệ thống tổ chức Kiểm lâm Sơn La gồm 5 phòng, 2 đội kiểm lâm cơ động PCCCR; 12 hạt kiểm lâm huyện, thành phố; 5 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng, 5 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, với tổng số 366 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 46 thạc sĩ, 296 đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp bền vững trong tình hình mới. Ngoài ra, xây dựng 2.354 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở, mỗi tổ, đội có từ 15-20 thành viên.
Ngày 15/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, đã hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm lực lượng kiểm lâm được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phân công 131 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, thực hiện nhiệm vụ bám dân, bám rừng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, phục vụ tổng hợp, theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp, PCCCR và tuần tra, phát hiện, xử lý những hành vi phá hoại rừng, buôn bán lâm sản trái phép. Những năm qua, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, tịch thu hàng nghìn mét khối gỗ, lâm sản các loại và nhiều loại động vật hoang dã được tổ chức cứu hộ, thả trở lại rừng.
Công tác khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng được triển khai thực hiện hiệu quả, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng được nhiều mô hình vườn rừng, đồi rừng, từng bước tạo nguồn thu nhập chính từ nghề rừng cho nhân dân. Tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công tác quy hoạch 3 loại rừng. Đến nay, đã hoàn thành giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, với tổng diện tích hơn 917.772 ha; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 94.345 chủ rừng. Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn toàn tỉnh bước vào giai đoạn phục hồi ổn định sau thời gian suy giảm nghiêm trọng đến mức báo động. Nếu như năm 1990, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn 138.810 ha rừng, tỷ lệ che phủ 9,3%, thì đến hết năm 2023, diện tích rừng tăng lên 669.797 ha, tỷ lệ che phủ đạt 47,5%, tạo cơ sở triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng và nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Điểm nổi bật trong những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Trong đó, ứng dụng công nghệ GIS trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến; ứng dụng công nghệ viễn thám phát hiện nhanh các điểm có nguy cơ giảm diện tích rừng, để thông tin giúp chính quyền và các cơ quan quản lý rừng ở địa phương kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong 50 năm qua, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhì, 1 Huân chương Lao động hạng ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và 60 bằng khen; Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng 183 bằng khen; UBND tỉnh Sơn La tặng 434 bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, vì sự phát triển bền vững”, lực lượng kiểm lâm Sơn La tiếp tục tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác khoanh nuôi tái sinh, trồng và bảo vệ rừng, nâng cao giá trị của rừng. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ để người trồng rừng có thu nhập từ rừng, triển khai các dự án trồng rừng thay thế. Gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với khai thác, kinh doanh chế biến tiêu thụ lâm sản, phát triển thị trường lâm sản hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng.
Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng và các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng và các vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân, thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, phát triển rừng trên các diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch 3 loại rừng; kiểm tra, cập nhật các diện tích đã đủ tiêu chí thành rừng; rà soát, cập nhật diện tích có rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Nâng cao chất lượng theo dõi diễn biến rừng phục vụ công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khoanh nuôi tái sinh tự nhiên để tăng diện tích rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Tập trung bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng trọng điểm, rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu; rừng thuộc hành lang giao thông, rừng đầu nguồn, các khu rừng còn trữ lượng; triển khai các dự án trồng rừng đạt chỉ tiêu theo kế hoạch.
Căn cứ vào kết quả rà soát đất lâm nghiệp theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện xác định phạm vi, ranh giới, diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất trên bản đồ và thực địa đến cấp xã để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm cơ sở để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Phát huy vai trò, giá trị của rừng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất quy hoạch 3 loại rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Một số hình ảnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm Sơn La
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!