Những năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động sâu rộng trong đời sống nhân dân, gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Thông tin, tuyên truyền sâu rộng
Thực hiện Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy Sơn La về thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã ban hành kế hoạch về thực hiện Cuộc vận động gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ ngày 25/1/2024 về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, để thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa nông sản; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP...
Các ngành, huyện, thành phố triển khai Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2022-2025. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động.
Các cơ quan, đơn vị hưởng ứng bằng việc làm cụ thể, thiết thực, gương mẫu trong việc sử dụng trang thiết bị văn phòng là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thể hiện tính tiên phong, gương mẫu và tạo thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong các hoạt động của cơ quan và sinh hoạt của cá nhân, gia đình.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện hơn 500 tác phẩm tin, bài, phóng sự tuyên truyền về cuộc vận động; Sở Kế hoạch và Đầu tư phát hành 5.000 cuốn sách ảnh giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La. Sở Công Thương biên tập, phát hành cẩm nang “Những điều cần biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Hội Nông dân tỉnh nhân rộng mô hình “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi số năm 2023”...
Xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm
Các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng. Khuyến khích đẩy mạnh phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam và các sản phẩm của địa phương.
Các sở, ngành chức năng đã hỗ trợ 7 dự án đề nghị thực hiện đầu tư mới, gồm: Trồng cây cà phê Arabica của Công ty cổ phần cà phê Detech; Trồng cây dược liệu của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Yên; Trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗn hợp của Công ty TNHH Thịnh Sơn Sơn La; Đầu tư xưởng bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản đặc trưng tỉnh Sơn La của Công ty cổ phần Musa Green; Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại Khu công nghiệp Mai Sơn của Công ty TNHH phân bón Thành Tâm; Nuôi trồng thủy sản Chiềng Mai của Công ty TNHH Hữu Thành; Trồng cây cọc rào tại huyện Quỳnh Nhai của Công ty cổ phần phát triển công nghệ năng lượng thiên nhiên.
Ngoài ra còn cấp 17 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nâng tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trong toàn tỉnh lên 254 chuỗi... Hỗ trợ xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với các sản phẩm chế biến từ thịt, tỏi lên men Linh Đơn, đông trùng hạ thảo, trà túi lọc quả sơn tra; thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói...
HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, huyện Mường La, thành lập tháng 11/2014, đến nay, phát triển lên 20 thành viên. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, cho biết: Trong quá trình hoạt động, HTX được tạo điều kiện vay các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, tham gia các gian hàng, hội chợ trong nước. HTX đang có trên 80 ha cây ăn quả: Táo đại, xoài, nhãn, mít... sản lượng trên 1.300 tấn quả/năm. HTX cung ứng cho hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh khoảng 100 tấn rau, củ, quả/tháng; doanh thu 1,7 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương.
Quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản
Những năm qua, hình thức giới thiệu, quảng bá nông sản của Sơn La rất đa dạng, như: Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Siêu thị Big C - Thăng Long; Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 8 tại Buôn Ma Thuột; Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ; Ngày hội trái cây Việt Nam tại tỉnh Tiền Giang; Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023...
Để đưa nông sản Sơn La vươn xa, việc hỗ trợ thương mại điện tử được coi trọng, Sở Công Thương đã duy trì, cập nhật trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La https://agritradepage.vn với 42 doanh nghiệp, HTX và 52 sản phẩm nông sản tiêu biểu; phối hợp với Bộ Công Thương đưa các sản phẩm hàng nông sản của tỉnh Sơn La lên sàn thương mại điện tử hợp nhất Sanviet.vn... Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử Postmart...
Từ đầu năm đến nay, các sở, ngành chức năng tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp đưa nông sản tham gia Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20; Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên... Các gian nông sản Sơn La thiết kế ấn tượng, thu hút người mua, mở ra nhiều cơ hội, nhiều đơn hàng. Việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản giúp nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2024, sản lượng trái cây toàn tỉnh dự kiến đạt trên 391.000 tấn, các địa phương đang lên kế hoạch, tiêu thụ hết lượng trái cây hiện có.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh Sơn La đã và đang tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, coi việc sử dụng hàng Việt là thể hiện tinh thần yêu nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!