Đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, huyện Yên Châu đã thực hiện nhiều giải pháp trong triển khai công tác đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Giọng nữ
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh tại Ngày hội việc làm huyện Yên Châu năm 2024.

Huyện Yên Châu có khoảng 48.500 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% dân số, chủ yếu là lao động nông thôn chưa qua đào tạo. Hàng năm, huyện chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát thực tế, phù hợp nhu cầu thị trường lao động; tăng cường thông tin thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho lao động vùng nông thôn.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: UBND huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xác định danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp người lao động, điều kiện từng địa phương. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp lao động nông thôn, trong đó, tập trung vào các ngành nghề chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng... Hằng năm, tổ chức ngày hội hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp đoàn viên thanh niên, học sinh, người lao động được tư vấn trực tiếp về nghề nghiệp, thị trường lao động. Từ đó, lựa chọn được ngành, nghề phù hợp năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân, gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội và trên địa bàn huyện.

Tham gia ngày hội việc làm năm 2024, do UBND huyện Yên Châu tổ chức tại xã Phiêng Khoài, đã giúp em Phạm Thu Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Phiêng Khoài cùng hơn 800 lao động, học sinh được tìm hiểu định hướng nghề nghiệp, đăng ký dự tuyển vào ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Em Phạm Thu Trang, nói: Sau khi tìm hiểu, được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng định hướng nghề nghiệp, các ngành học, nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin về xuất khẩu lao động và du học nghề tại một số nước, như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Giúp em lựa chọn đi du học nghề tại nước Đức, em đang nỗ lực học và trau dồi thêm tiếng Đức.

Còn chị Lê Thị Vui, bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, những năm gần đây, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP do huyện, xã phối hợp tổ chức. Qua đó, giúp chị và gia đình thay đổi kỹ thuật chăm sóc để mận ra quả sớm, kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất, giảm áp lực tiêu thụ chính vụ, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.

Chị Lê Thị Vui chia sẻ: Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi đã thực hiện nghiêm kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời điểm, nhờ vậy, vườn mận hậu 3 ha của gia đình cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Từ đầu vụ đến nay, thu hoạch hơn 10 tấn mận chín sớm, bán với giá 80-120 nghìn đồng/kg. Dự kiến năm nay, gia đình thu trên 30 tấn mận hậu chính vụ, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Yên Châu mở 19 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất cho 500 lao động nông thôn; hỗ trợ kết nối việc làm thành công gần 10.000 lao động, trong đó, trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng khó khăn; tư vấn, giới thiệu lao động đi đào tạo, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động là người dân tộc thiểu số; đưa 50 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, huyện Yên Châu tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát nhu cầu đào tạo; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp nông dân có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới