Ngày 10/4/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Sau 2 năm thí điểm, được tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá là thành công, ngày 24/9/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực từ ngày 1/11/2011, tạo cơ sở cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính xã hội hóa bền vững phục vụ bảo vệ, phát triển rừng.
|
Để triển khai thực hiện chính sách, ngày 8/6/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1535/QĐ-UBND thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La. Mục tiêu là huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng, hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững.
Sau 15 năm thành lập, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La trải qua 3 giai đoạn phát triển, từ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, sang thành chuyên trách và từ năm 2018 đến nay, Quỹ chuyển về trực thuộc UBND tỉnh. Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Sơn La là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Ban điều hành quỹ làm việc theo chế độ chuyên trách, với tổng số 64 cán bộ, viên chức; được phân chia thành 2 cấp; trong đó, cấp tỉnh gồm Ban giám đốc Quỹ và 3 phòng chuyên môn nghiệp vụ; cấp huyện gồm 6 chi nhánh liên huyện.
Từ khi thành lập, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La đã tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, như tham gia xây dựng phần mềm chi trả dịch vụ môi trường rừng, xây dựng bộ chỉ số giám sát đánh giá, ứng dụng ảnh viễn thám trong rà soát diện tích rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho viên chức, người lao động, chỉ đạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, ứng dụng các phần mềm và bản đồ viễn thám tích hợp vào các thiết bị di động thông minh, như điện thoại, máy tính bảng để đo đạc xác định diện tích rừng tại thực địa; nâng cao khả năng tự động hóa xây dựng bản đồ, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai thực hiện tại tỉnh Sơn La từ năm 2008 đã đóng góp hiệu quả, tích cực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, được nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đồng tình ủng hộ; được các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá rất cao.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong 15 năm triển khai thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đã bám sát các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để triển thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Thu ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt trên 2.200 tỷ đồng; hằng năm giải ngân cho trên 40.000 chủ rừng đang quản lý gần 600.000 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, đôn đốc thu nộp, kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các kết luận, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 156/2018/NĐ-CP trong lĩnh vực dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch 273/KH-UBND ngày 19/11/2021 về xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản, với mục tiêu “Xây dựng bộ quy ước được thống nhất bởi tất cả các thành viên trong cộng đồng, nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.073 quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; đây là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn, hướng tới mục tiêu quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, công khai, minh bạch. Giai đoạn 2021-2023, khi triển khai xây dựng quy chế, các cộng đồng đã sử dụng trên 291 tỷ đồng. Trong đó, chi cho quản lý, bảo vệ rừng gần 74 tỷ đồng, chiếm khoảng 25%; chi hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình trên 50 tỷ đồng, chiếm trên 17%; chi cho xây dựng trên 5.000 công trình phúc lợi, công trình nông thôn mới với số tiền gần 110 tỷ đồng, chiếm gần 38%; chi cho nhóm tiết kiệm và các nội dung khác phục vụ cộng đồng gần 57 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý rừng bền vững, nâng cao đời sống người dân. Phối hợp bổ sung, hoàn thiện quy chế phù hợp với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ môi trường rừng. Rà soát kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế về dịch vụ môi trường rừng.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Năm là, tổ chức quản lý đồng bộ về dữ liệu đất đai, dữ liệu rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung cho công tác triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của chủ rừng để phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng chính xác, đúng đối tượng.
Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn để quản lý, sử dụng tiền DVMTR đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích; thường xuyên, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm mục tiêu cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.
Một số hình ảnh hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!