Khơi dậy và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa, Sơn La đã và đang từng bước xây dựng, hình thành các ngành công nghiệp văn hoá, đem lại những giá trị thiết thực về kinh tế, vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Vùng đất giàu tiềm năng
Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng các thị trường mới. Quyết định cũng nêu rõ 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Sơn La đang sở hữu những tiềm năng, lợi thế và động lực để phát triển những ngành công nghiệp văn hoá phù hợp, mang tính đặc trưng địa phương.
Ông Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh, nói: Sơn La là nơi sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc lại có nền văn hoá đặc sắc riêng có, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu, là nền tảng văn hoá bản địa độc đáo cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị.
Không chỉ được biết đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, mà Sơn La còn sở hữu nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và đặc sắc. Sơn La hiện có 17 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó là hàng trăm lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc, các phong tục tập quán mang nét đặc sắc riêng, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo… Sơn La còn có 96 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, là những địa điểm tham quan lịch sử hấp dẫn, “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng.
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Tiên Phong, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, nhận định: Tôi đã có nhiều dịp đưa các đơn vị lữ hành đi khảo sát điểm đến tại Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai… Điểm ấn tượng của du lịch Sơn La là cảnh quan thiên nhiên còn giữ được vẻ nguyên sơ, yên bình, cùng với đó là văn hoá độc đáo, nhất là các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với các sự kiện du lịch, tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách.
Những năm gần đây, Sơn La chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, được đầu tư đồng bộ, tạo động lực thu hút các dự án đầu tư về du lịch, bất động sản. Sơn La cũng trở thành “vựa hoa quả” lớn nhất miền Bắc, sản lượng lớn, sản phẩm đa dạng, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm… Kinh tế phát triển tạo đà cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển theo, trong đó có ngành công nghiệp văn hoá.
Hình thành những ngành công nghiệp văn hoá đặc trưng
Du lịch Sơn La những năm gần đây tăng trưởng ổn định ở mức 13%/năm, đóng góp khoảng 6% GRDP của tỉnh. Sơn La đã và đang khai thác, phát huy hiệu quả giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, cùng với con người thân thiện, giàu lòng mến khách, dần hình thành nên sản phẩm du lịch văn hoá có sức hấp dẫn riêng có. Từ kiến trúc nhà ở, ẩm thực cho đến lễ hội, tín ngưỡng truyền thống, dân ca, dân vũ dân tộc đã và đang được khai thác, lồng ghép vào các hoạt động du lịch tại mỗi điểm đến.
Tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, văn hoá luôn được phát triển đồng hành cùng với các loại hình, dịch vụ du lịch, tạo yếu tố hấp dẫn du khách. Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Du khách đến với Mộc Châu không chỉ bởi yêu thích khung cảnh thơ mộng, khí hậu trong lành mà còn ấn tượng về mảnh đất giàu văn hóa truyền thống và mến khách. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc và phát triển nông nghiệp xanh được xác định là 2 nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch bền vững của huyện Mộc Châu.
Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh những năm gần đây có nhiều khởi sắc khi mỗi năm có hàng trăm tác phẩm chất lượng, có giá trị cao về nghệ thuật được ra mắt. Thông qua hội họa, nhiếp ảnh, miền đất – con người Sơn La được tô lên vẻ đẹp đầy sức sống, quảng bá mạnh mẽ, nhất là những hình ảnh đặc sắc về các công trình tầm cỡ, như: Thuỷ điện Sơn La, Quảng trường Tây Bắc… Hay khung cảnh thiên nhiên của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu – điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới, lòng hồ thuỷ điện; ghi lại khoảnh khắc đẹp của vùng biên giới, giới thiệu vùng cây ăn quả, cà phê Arabica Sơn La… góp phần không nhỏ đưa hình ảnh Sơn La đến với du khách trong và ngoài nước.
Các lĩnh vực về kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn cũng đang dần được hình thành, khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội và có những đóng góp cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp văn hoá. Trong 154 sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm được phát triển từ ẩm thực dân tộc, như: Thịt gác bếp, tương thố ố, quả sấy khô, tỏi cô đơn… không chỉ được bán phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nhờ vậy, hình ảnh về Sơn La năng động và phát triển được giới thiệu rộng rãi, tạo uy tín và cơ hội cho du lịch của tỉnh thêm đà phát triển.
Quan tâm, tạo điều kiện cho công nghiệp văn hoá phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện”. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể giao cho các ngành, địa phương trong tỉnh.
Trong đó, định hướng nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp, ngành nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách theo từng lĩnh vực có thế mạnh, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh. Chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách, nguồn lực để ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa là thế mạnh, có sức cạnh tranh. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp văn hóa, xây dựng các không gian văn hóa và sáng tạo, các dự án khởi nghiệp phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá…
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của kinh tế số để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Dựa trên cơ sở thực tế để tham mưu các giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hoá với bước đi phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được cùng với các chính sách khuyến khích, kế hoạch cụ thể của tỉnh sẽ là cơ sở quan trọng, tạo động lực để Sơn La tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, xây dựng, hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá mang đặc trưng, thương hiệu của Sơn La trong tương lai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!